Việt Nam tham dự diễn đàn về cơ hội và thách thức TPP tại Mexico

Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Mexico Lê Linh Lan đã tham gia diễn đàn “Mexico trước những thách thức cạnh tranh với các đối tác mới trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).”
Việt Nam tham dự diễn đàn về cơ hội và thách thức TPP tại Mexico ảnh 1Toàn cảnh buổi diễn đàn về cơ hội và thách thức TPP tại Mexico. (Ảnh: Việt Hòa/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, ngày 29/6, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Mexico Lê Linh Lan đã tham gia diễn đàn “Mexico trước những thách thức cạnh tranh với các đối tác mới trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)” do Hội đồng doanh nghiệp Ngoại thương, Đầu tư và Công nghệ (COMCE) nước chủ nhà tổ chức tại Trung tâm hội nghị Banamex thuộc thủ đô Mexico.

Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Lê Linh Lan nêu bật tầm quan trọng của TPP đối với Việt Nam và Mexico, hai quốc gia cùng tham gia và ký kết, nhất là trong bối cảnh hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao trên 40 năm (19/5/1975-19/5/2016).

Đại sứ cho biết bên lề lễ ký TPP ngày 4/2 tại New Zealand, đại diện hai nước Việt Nam và Mexico đã ký kết Thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư. Sự kiện này là cơ sở thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước.

Theo đại sứ Lê Linh Lan, Việt Nam áp dụng lộ trình giảm thuế chung cho các nước thành viên TPP, trong đó có Mexico. Việt Nam cam kết trên 65% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu (0%) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trên 98% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm. Mexico có thể xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh sang Việt Nam như linh kiện và phụ tùng ôtô, gỗ, thức ăn gia súc, rượu Tequila, thịt bò...

Ngược lại, phía Mexico cam kết xóa bỏ ngay 77,2% số dòng thuế, chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico (tính theo năm cơ sở 2010). Vào năm thứ 10 sau khi Hiệp định có hiệu lực, 98% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Mexico, vì họ có thể nhập khẩu các mặt hàng có chất lượng cao từ Việt Nam, với ưu đãi về thuế.

Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào Mexico bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại; càphê; hàng dệt, may; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng thủy sản; đồ chơi, dụng cụ thể thao; túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù; gỗ và sản phẩm gỗ; sản phẩm từ chất dẻo; cao su...

Trong phần thảo luận, Đại sứ Lê Linh Lan đã trả lời câu hỏi của doanh nghiệp sở tại về nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Đại sứ cho biết kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, hiện nay đã có 45 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Cuối phần trình bày, Đại sứ Lê Linh Lan kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Mexico đến Việt Nam khảo sát thị trường, tìm các cơ hội kinh doanh và đầu tư với Việt Nam, chuẩn bị đón đầu khi TPP có hiệu lực.

Việt Nam tham dự diễn đàn về cơ hội và thách thức TPP tại Mexico ảnh 2Đại sứ Việt Nam Lê Linh Lan tham gia diễn đàn về cơ hội và thách thức TPP tại Mexico. (Ảnh: Việt Hòa/Vietnam+) 

Về phần mình, Phó Chủ tịch COMCE Mexico Sergio Ley Lopez hoan nghênh các Đại sứ, Tham tán Thương mại của các nước TPP có cơ quan đại diện tại Mexico tới tham dự diễn đàn để trao đổi các cơ hội và thách thức của TPP.

Phó Chủ tịch COMCE đánh giá ý nghĩa của việc ký kết TPP, đặc biệt đối với bảy đối tác mới trong TPP tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gồm Australia, Brunei, Malaysia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Việt Nam) sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Mexico, mở ra cơ hội kinh doanh và đầu tư cho nhiều ngành sản xuất Mexico.

Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp Mexico cần tận dụng các cơ hội do TPP đem lại, đồng thời cũng tích cực chuẩn bị đối phó với những thách thức cạnh tranh của các nước thành viên.

Trong bài tham luận tại diễn đàn, Tổng Vụ trưởng châu Á-Châu Đại Dương và các Tổ chức Đa phương, Bộ Kinh tế, kiêm Trưởng đoàn đàm phán TPP Mexico, ông Roberto Zapata Barradas nhấn mạnh TPP đóng vai trò rất quan trọng với nền kinh tế Mexico, chiếm 85% tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu (680 tỷ USD), 56% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mexico (228 tỷ USD - số liệu năm 2014).

Tham gia TPP, Mexico sẽ được hưởng lợi trong việc xuất khẩu vào thị trường của 11 thành viên TPP với 90% số dòng thuế sẽ giảm xuống 0% ngay sau khi có hiệu lực, và 9% số dòng thuế giảm xuống 0% theo lộ trình từ 5-10 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục