Việt Nam-Thái Lan còn nhiều tiềm năng thúc đẩy thương mại song phương

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.
Việt Nam-Thái Lan còn nhiều tiềm năng thúc đẩy thương mại song phương ảnh 1Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. (Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN)

Nhân dịp diễn ra Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan (JTC) tại thủ đô Bangkok của Thái Lan ngày 20/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD vào năm 2025.

Về mục đích, ý nghĩa và nội dung chính của kỳ họp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh kỳ họp lần này là dịp để hai bên cùng rà soát, kiểm điểm tình hình hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại kể từ Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp thương mại giữa hai nước tổ chức năm 2018 và bàn bạc, thống nhất định hướng, giải pháp cho hợp tác trong giai đoạn hậu COVID-19, phấn đấu sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD như Thủ tướng hai nước đã đặt ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, kỳ họp được tổ chức vào thời điểm rất phù hợp, có nhiều ý nghĩa, khi cả hai nước Việt Nam và Thái Lan đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới," thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các hoạt động kinh tế đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu COVID-19.

Hai nước cũng vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2021 và hiện đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược tăng cường.

[Các địa phương Việt Nam-Thái Lan thúc đẩy hợp tác du lịch và kết nghĩa]

Bên cạnh đó, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những thay đổi sâu sắc. Đó là căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine, thị trường năng lượng diễn biến bất lợi, sự tái cấu trúc của mạng lưới sản xuất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Những nhân tố này đang đặt ra cả thời cơ và thách thức cho hai nền kinh tế Việt Nam và Thái Lan, đặt ra yêu cầu và cơ hội để hai nước tăng cường sự kết nối về kinh tế, hợp tác trên cơ sở cùng có lợi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nội dung chính của kỳ họp lần này là rà soát, kiểm điểm tình hình hợp tác kinh tế, thương mại kể từ Kỳ họp lần thứ 3 trong năm 2018; thảo luận kế hoạch hợp tác cụ thể để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD vào năm 2025, hướng tới một cán cân thương mại cân bằng hơn; trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực liên quan như nông nghiệp, kết nối giao thông, logistics, hải quan, ngân hàng, đầu tư, lao động, sở hữu trí tuệ... làm cơ sở cho việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại.

Một số vấn đề cụ thể được phía Việt Nam đưa ra tại kỳ họp lần này bao gồm: đề nghị phía Thái Lan tiếp tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản; dỡ bỏ một số loại giấy phép, thủ tục nhập khẩu không cần thiết làm tăng chi phí của doanh nghiệp; đề nghị Thái Lan hỗ trợ hàng Việt Nam vào các kênh phân phối của doanh nghiệp Thái Lan; thiết lập các tuyến vận tải biển phía Nam của 3 nước Thái Lan, Campuchia, Việt Nam; đề nghị Thái Lan nghiên cứu đầu tư vào các ngành công nghiệp nền tảng tại Việt Nam, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, logistics, khu công nghiệp tại Việt Nam…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đưa ra đánh giá, nhận xét về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Thái Lan. Theo ông, Việt Nam-Thái Lan có quan hệ đối tác chiến lược tăng cường với bề dày lịch sử hơn 45 năm.

Hai nước đều khẳng định coi trọng và quyết tâm phát triển quan hệ ngày càng sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, ở các cấp và trên các lĩnh vực.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, là nhà đầu tư lớn thứ 9 tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thái Lan trong ASEAN.

Việt Nam và Thái Lan là hai nền kinh tế có quy mô và đang phát triển năng động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương cũng như hợp tác trong các lĩnh vực liên quan khác (năng lượng, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, đầu tư…).

Hai nước cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN +1, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cùng với tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, các hiệp định thương mại tự do (FTA) này đang tạo lợi thế cho khu vực Đông Nam Á thu hút, đón nhận các luồng dịch chuyển đầu tư. Do đó, hai nước đứng trước những triển vọng, cơ hội lớn để tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất khu vực để cùng khai thác hiệu quả các FTA.

Về một số mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu sang Thái Lan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đó là các mặt hàng thủy hải sản, nông sản, thực phẩm chế biến, các mặt hàng chế tạo như điện tử, sắt thép, dệt may, sợi, sản phẩm gỗ…

Việt Nam-Thái Lan còn nhiều tiềm năng thúc đẩy thương mại song phương ảnh 2Quang cảnh kỳ họp. (Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề cập đến những khó khăn trong quan hệ thương mại với Thái Lan trong thời gian gần đây và các giải pháp tháo gỡ của Bộ Công Thương.

Theo ông, trong thời gian qua, Thái Lan áp dụng một số biện pháp rào cản thương mại, phòng vệ thương mại lên hàng hoá của Việt Nam. Ví dụ, Thái Lan áp dụng thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm sắt thép của Việt Nam, yêu cầu Giấy chứng nhận tiêu chuẩn công nghiệp (TIS) đối với sản phẩm tôn mạ kẽm, yêu cầu giấy phép nhập khẩu (Tor 2) đối với sữa và các sản phẩm từ sữa để được hưởng thuế suất ưu đãi trong ASEAN dù đã có Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D...

Các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc, trao đổi với phía bạn một cách thường xuyên, liên tục, thông qua nhiều kênh song phương, đa phương, nêu quan ngại ở nhiều cấp để thúc đẩy nước bạn giải quyết.

Tại kỳ họp lần này, Bộ Công Thương đã tập trung đề nghị nước bạn giải quyết vướng mắc trong các hoạt động xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam vào Thái Lan, đặc biệt là nông sản, Bộ Công Thương đã đề nghị phía Thái Lan đẩy nhanh thủ tục cấp phép nhập khẩu cho 5 loại quả tươi của Việt Nam (gồm na, bưởi, chôm chôm, chanh leo, vú sữa).

Hai bên đã thống nhất tăng cường trao đổi thông tin về thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng cùng quan tâm để hướng dẫn cho các doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục