Việt Nam tập trung giải quyết những thách thức từ mức sinh giảm

Theo Cục trưởng Dân số, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về dân số nhưng cần giải quyết những thách thức từ mức sinh giảm, chênh lệch vùng miền, xu hướng kết hôn muộn để đảm bảo phát triển bền vững.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số thuộc Bộ Y tế. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26/12), ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số thuộc Bộ Y tế đã dành thời gian trao đổi với phóng viên TTXVN về những thách thức phải đối mặt trong công tác dân số hiện nay, cũng như việc triển khai các chính sách, chương trình hành động nhằm điều chỉnh mức sinh ở Việt Nam.

- Thưa Cục trưởng, công tác dân số ở nước ta đã chuyển trọng tâm từ “Dân số-Kế hoạch hóa gia đình” sang “Dân số phát triển.” Theo ông, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ gì trong công tác dân số và đâu là những thách thức chúng ta phải đối mặt trong thời gian tới?

Ông Lê Thanh Dũng: Có thể nói, công tác dân số Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, đặc biệt là khống chế tốc độ gia tăng dân số nhanh, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì đến năm 2021. Tỷ lệ gia tăng dân số giảm từ 3,93% (năm 1960) xuống 0,85% (2023), đạt quy mô dân số 100,3 triệu người, đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 8 châu Á, thứ 15 thế giới.

Thành tựu này giúp chuyển dịch cơ cấu dân số tích cực, bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, đồng thời phân bố dân cư hợp lý hơn, gắn với đô thị hóa và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, Việt Nam đối mặt với thách thức mới: mức sinh chưa bền vững và xu hướng giảm. Từ năm 2021 đến năm 2023, mức sinh giảm từ 2,11 xuống 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Xu hướng này tập trung tại các đô thị và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi kinh tế phát triển hoặc đô thị hóa cao. Ngược lại, mức sinh còn cao tại các khu vực kinh tế-xã hội khó khăn như Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên.

Năm 2023, mức sinh khu vực nông thôn giảm xuống 2,07 con/phụ nữ, dưới mức thay thế lần đầu tiên, trong khi mức sinh thành thị dao động 1,7-1,8 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ có mức sinh thấp nhất cả nước (1,47 con/phụ nữ), còn Đồng bằng sông Cửu Long thấp thứ hai (1,54 con/phụ nữ). Phụ nữ 15-49 tuổi ở nhóm có mức sống rất nghèo sinh con nhiều hơn (2,40 con/phụ nữ), trong khi phụ nữ từ 15-49 tuổi có trình độ học vấn dưới Tiểu học cao nhất với 2,35 con/phụ nữ và thấp nhất là của nhóm bà mẹ có trình độ trên bậc Trung học phổ thông với 1,98 con/phụ nữ.

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng nhanh, từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 27,2 tuổi (năm 2023), với nam là 29,3 tuổi và nữ là 25,1 tuổi. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên có tuổi kết hôn trung bình trên 30 tuổi. Phụ nữ thành thị kết hôn muộn và sinh ít con hơn nông thôn.

Diễu hành cổ động tăng mức sinh, nâng cao chất lượng dân số sau Lễ phát động. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi cao nhất tại thành thị là nhóm 25-29 tuổi (130/1.000 phụ nữ), thấp hơn nhiều so với nông thôn, nơi nhóm 20-24 tuổi có tỷ suất sinh 147 trẻ/1.000 phụ nữ. Sự chênh lệch này phản ánh sự khác biệt trong mô hình sinh đẻ giữa thành thị và nông thôn.

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về dân số nhưng cần giải quyết những thách thức từ mức sinh giảm, chênh lệch vùng miền và xu hướng kết hôn muộn để đảm bảo phát triển bền vững.

- Nguyên nhân và hệ lụy của mức sinh thấp là gì, thưa ông?

Ông Lê Thanh Dũng: Trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và thực tế tại Việt Nam, có thể chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng mức sinh xuống thấp hiện nay. Đầu tiên có thể kể đến là điều kiện sống được cải thiện, học vấn, nhu cầu phát triển sự nghiệp, thu nhập và chất lượng cuộc sống tăng khiến việc kết hôn, sinh con bị trì hoãn hoặc giảm.

Với sức ép kinh tế như chi phí sinh hoạt, nhà ở, nuôi dưỡng và giáo dục con cái cao khiến các gia đình trẻ cân nhắc sinh con ít hoặc không sinh. Ngoài ra, việc hỗ trợ chính sách chưa đầy đủ, môi trường và các chính sách hỗ trợ gia đình có con nhỏ còn hạn chế. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh, đặc biệt là vô sinh thứ phát có xu hướng gia tăng cũng tác động đến việc không thể sinh con. Với tình hình hiện tại, nhiều chính sách đã ban hành trong thời gian qua không còn phù hợp trong tình hình mức sinh hiện nay.

Mức sinh thấp để lại khá nhiều hệ lụy. Có thể kể đến đầu tiên là thiếu hụt lao động, dân số trong độ tuổi lao động giảm, gây suy giảm kinh tế. Tiếp theo là già hóa dân số nhanh. Tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh thấp làm tăng tỷ trọng người già, gây mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, nguy cơ mất khả năng chi trả. Có thể kể đến hệ lụy tiếp là sự suy giảm quy mô dân số. Mức sinh thấp kéo dài dẫn tới giảm tự nhiên dân số, lãng phí hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, cơ sở y tế.

Mức sinh thấp còn làm gia tăng di cư, lao động thiếu hụt thúc đẩy nhập cư, kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự và quốc phòng. Mức sinh thấp, già hóa dân số tác động xã hội, phát sinh vấn đề về dịch vụ người già, sự khác biệt văn hóa, sắc tộc, tôn giáo, cạnh tranh việc làm, gây ảnh hưởng đến ổn định xã hội.

- Ông có thể cho biết việc triển khai các chính sách và chương trình hành động nhằm điều chỉnh mức sinh ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào?

Ông Lê Thanh Dũng: Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 (Chương trình 588) với mục tiêu “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước;” trong đó, có nhiệm vụ, giải pháp: “Ở những địa phương đã có mức sinh dưới mức sinh thay thế thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con.”

Nhân viên y tế đo chiều cao cho trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để triển khai chương trình 588, Bộ Y tế đã có Quyết định số 2324/QĐ-BYT ngày 5/6/2020 và ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BYT ngày 25/01/2021 hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trong đó có việc hỗ trợ các gia đình sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.

Tại các địa phương, thực hiện Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, trên cơ sở thực trạng và xu hướng mức sinh của địa phương, các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành theo thẩm quyền Chương trình, Kế hoạch... để thực hiện với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Một số tỉnh, thành phố vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế cũng đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ hai con đối tập thể, cá nhân như hỗ trợ tiền hoặc hiện vật; hỗ trợ các chi phí y tế 1 lần (sinh con) đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; hỗ trợ giảm học phí từ bậc học mầm non đến bậc Trung học Phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; khen thưởng tiền cho các xã, phường, thị trấn đạt và vượt tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con.

Một số tỉnh, thành phố đã triển khai, mở rộng các mô hình "nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi,” “xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ 2 con” …, điển hình như Cần Thơ, Hậu Giang.

- Trong bối cảnh các chính sách dân số cần thay đổi để thích ứng với thực tế mới, Cục Dân số có tầm nhìn chiến lược dài hạn như thế nào? Đâu là những điều chỉnh quan trọng nhất để đảm bảo sự phát triển cân đối về dân số và chất lượng cuộc sống của người dân, thưa ông?

Ông Lê Thanh Dũng: Bộ Y tế đang trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025.

Một trong những chính sách cơ bản của Luật Dân số là “Duy trì mức sinh thay thế” với mục tiêu chính sách bao gồm: duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trong phạm vi cả nước, nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng; quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm thực hiện quyền con người trong thực hiện chính sách dân số.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội; xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025.

Nhân ngày Dân số Việt Nam (26/12) tôi muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp: hãy khám sức khỏe trước kết hôn để chuẩn bị hành trang đón thế hệ vàng và sinh đủ 2 con cha mẹ thông thái con cái được nhờ!

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục