Việt Nam tăng cường quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững

Những năm gần đây, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức ngày một rõ hơn từ biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, dịch bệnh cũng như những vấn đề liên quan đến sinh kế bền vững.
Việt Nam tăng cường quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 29/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng thuộc Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững" kết hợp giữa hình thức trực tiếp với trực tuyến.

Hội thảo có sự tham dự trực tuyến của hơn 100 đại biểu từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện một số bộ, ngành, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Hướng tới sự phát triển bền vững

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư, tiến sỹ Đỗ Hoài Nam, chuyên gia cao cấp (Học viện Khoa học Xã hội), nhấn mạnh những năm gần đây, thế giới đã và đang trải qua nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, việc đánh giá rủi ro và nghiên cứu các mô hình, rút ra bài học kinh nghiệm trong quản trị rủi ro là hết sức cần thiết nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. 

Việt Nam là quốc gia đang phát triển và đã gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội sau hơn 30 năm đổi mới. Những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức ngày một rõ hơn từ biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, dịch bệnh cũng như những vấn đề liên quan đến sinh kế bền vững, đặc biệt là ở khu vực đô thị.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam còn làm nảy sinh một loạt vấn đề cần giải quyết như ô nhiễm môi trường, việc làm, di dân, phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội… 

Chính vì vậy, sự phát triển bền vững của Việt Nam cần phải được xây dựng từ những đô thị bền vững. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi phải có những đánh giá xác đáng, đầy đủ về những rủi ro mà Việt Nam đang phải đối mặt, những mô hình hiệu quả, những giải pháp hữu hiệu trong việc quản trị các rủi ro và phát triển đô thị bền vững.

Giáo sư, tiến sỹ Đỗ Hoài Nam mong muốn trước các yêu cầu thực tiễn nêu trên, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các doanh nghiệp cần cùng nhau trao đổi, thảo luận làm rõ các rủi ro đối với sự phát triển ở Việt Nam, có thể tận dụng các cơ hội mà bối cảnh mới mang lại; đồng thời chia sẻ các mô hình, bài học kinh nghiệm trong việc quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững, hướng tới đích cuối cùng là Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, tiến sỹ Lê Văn Hùng cho biết những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều cố gắng nhằm đối phó và quản lý rủi ro thiên tai và dịch bệnh.

[Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quy hoạch đô thị cần thực hiện bài bản]

Cụ thể, Việt Nam dần hình thành khung khổ pháp lý nhằm gia tăng hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai như: xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; đề án phát triển các đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030; luật phòng, chống thiên tai; xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thiên tai như hệ thống bản đồ phân vùng lũ cho 15 tỉnh miền núi từ Nghệ An trở ra phía Bắc; mô hình dự báo sớm lũ quét và trượt lở đất tại Lào Cai, Yên Bái, Đà Nẵng; hệ thống cảnh báo và đưa ra những biện pháp phòng chống lũ cho vùng Nam Trung Bộ.

Về quản lý rủi ro dịch bệnh, Việt Nam đã có nhiều biện pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt đối với công tác phòng bệnh, chữa bệnh, dập dịch cũng như công tác hỗ trợ đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân vùng dịch.

Tiến sỹ Lê Văn Hùng cho rằng dù có nhiều nỗ lực và cố gắng nhưng công tác quản lý rủi ro thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế và khó khăn cần khắc phục.

Để gia tăng hiệu quả công tác quản lý rủi ro và phát triển đô thị bền vững, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là quan trọng nhưng là không đủ mà cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực từ các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp và cả sự nỗ lực của người dân.

Hướng tới phát triển các đô thị bền vững

Chia sẻ nghiên cứu về chính sách giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu của một số quốc gia tại cộng đồng ASEAN, tiến sỹ Nguyễn Hà Phương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đều có nguồn tài nguyên phong phú. Số lượng người dân tại các quốc gia này phụ thuộc vào thiên nhiên là khá lớn.

Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thiên tai đang gia tăng khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để quản trị rủi ro thiên tai và đảm bảo sinh kế cho người dân, một số quốc gia như: Malaysia và Indonesia đã ban hành các chính sách, kế hoạch hành động để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phần lớn các chính sách nhằm bảo vệ hệ sinh thái, nâng cao nhận thức, năng lực thích ứng của các hộ gia đình và cộng đồng, chuyển đổi sinh kế thông qua sự tham gia tích cực của cộng đồng đã và đang đem lại hiệu quả trong việc xây dựng khung sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia này để đưa ra các chính sách và chiến lược thích hợp, hiệu quả.

Theo bà Triệu Thanh Quang thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững vùng, việc sử dụng các bộ chỉ số làm thước đo đánh giá sự phát triển đồng thời định hướng cho mục tiêu phát triển nên được áp dụng nhằm hướng tới phát triển các đô thị bền vững, đồng thời xây dựng các mục tiêu phát triển đô thị cần được đặt trong bối cảnh, đặc thù của các đô thị, mong muốn của người dân cũng như chính quyền.

Việt Nam tăng cường quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững ảnh 2Một công viên ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngoài ra, những giá trị cốt lõi của phát triển bền vững ở các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường phải được bảo đảm trong việc đánh giá. Đặc biệt, khía cạnh kinh tế, xã hội cần được xem xét một cách tương đối và có những tiêu chuẩn khác nhau giữa các khu vực, các vùng khác nhau. Việc đánh giá khía cạnh môi trường cần được bảo đảm theo những tiêu chuẩn thống nhất phù hợp nhất cho từng giai đoạn.

Những thử nghiệm ban đầu ở một số địa phương trong việc sử dụng các mô hình khác nhau của đô thị bền vững với các bộ chỉ số thành phố bền vững là những gợi mở cho việc hình thành và phát triển các bộ chỉ số, bộ công cụ đánh giá, định hướng phát triển đô thị bền vững; cần có những nghiên cứu chuyên sâu, đa chiều, liên ngành để có thể làm rõ hơn những vấn đề xây dựng bộ chỉ số thành phố bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các mô hình thực tiễn tốt trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; cập nhật các chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; vai trò quản lý của Nhà nước trong quản lý rủi ro thiên tai, phát triển bền vững ở Việt Nam; các vấn đề lý thuyết, thực tiễn liên quan đến phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh các rủi ro; chia sẻ bài học, kinh nghiệm về phát triển đô thị bền vững; đề xuất một số giải pháp giảm thiểu rủi ro đối với sự phát triển bền vững ở các vùng đô thị Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục