Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn nguồn tin từ Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết nhân dịp tham dự Kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có các buổi tiếp xúc, làm việc với Phó Tổng giám đốc UNESCO kiêm Trợ lý Tổng giám đốc về Quan hệ đối ngoại và Ưu tiên châu Phi Xing Qu; Chủ tịch Đại hội đồng Simona-Mirela Miculescu, Bộ trưởng Văn hóa Bangladesh Naheed Ezaher Khan; Chủ tịch Ủy ban Di sản Thế giới Vishal Sharma; Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 Nancy Ovelar và Trưởng đoàn của một số quốc gia, để thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng đã làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Assomo, Giám đốc bộ phận tư vấn và giám sát thực hiện Công ước di sản thế giới của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), Regina Durighello, để trao đổi về tăng cường hợp tác trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam.
Trong các cuộc làm việc, tiếp xúc, lãnh đạo UNESCO và trưởng đoàn của các quốc gia đều đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với UNESCO và các quốc gia thành viên, cũng như vai trò và đóng góp quan trọng, hiệu quả của Việt Nam trong công việc chung của tổ chức, với tư cách là thành viên của 6 cơ chế điều hành của UNESCO (Đại hội đồng, Hội đồng Chấp hành, Ủy ban Di sản Thế giới, Phó Chủ tịch Đại hội đồng và Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa).
Các nước nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác của UNESCO, điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, cũng đề nghị các nước và UNESCO tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học thông qua chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa, di sản vì phát triển bền vững.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc mong muốn lãnh đạo và Ban thư ký UNESCO quan tâm, hỗ trợ tư vấn và ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam như Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Côn Sơn-Kiếp Bạc, Khu khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Con Moong, các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ, Chèo, Mo Mường, hồ sơ công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn..., hỗ trợ trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.
Lãnh đạo UNESCO và ICOMOS cam kết hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, thúc đẩy các hồ sơ di sản mà Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đề nghị.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc trân trọng mời, đồng thời chuyển lời mời của các địa phương đến các lãnh đạo UNESCO tới tham dự Lễ hội vì hoà bình năm 2024 (Quảng Trị, tháng 7/2024), Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Cao Bằng, tháng 9/2024)…
Các lãnh đạo UNESCO đánh giá cao Việt Nam tổ chức các hoạt động có ý nghĩa, cảm ơn vì lời mời và rất mong được tham dự.
Kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra vào ngày 11-12/6/2024 tại thủ đô Paris, nhằm bàn về định hướng, chính sách triển khai Công ước 2003, phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác bảo tồn di sản phi vật thể ở các quốc gia và bầu bổ sung Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 cho giai đoạn 2024-2028./.
Việt Nam thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa theo Công ước UNESCO
Việt Nam đang thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, gắn với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.