Việt Nam tái khẳng định chính sách nhất quán về năng lượng hạt nhân

Việt Nam tái khẳng định chính sách nhất quán về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, kêu gọi các nước tham gia các điều ước quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân.
(Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Việt Nam tái khẳng định chính sách nhất quán về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, kêu gọi các nước tham gia các điều ước quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân, nhằm sử dụng năng lượng hạt nhân một cách an toàn, bền vững và có trách nhiệm.

Đây là thông điệp chính mà Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đã phát biểu ngày 1/5 trong khuôn khổ thảo luận đề mục 3 về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Phiên họp lần 2 Ủy ban trù bị năm 2018 chuẩn bị cho Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong phát biểu của mình, Đại sứ Dương Chí Dũng tái khẳng định quyền và chính sách nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình theo Điều 4 của NPT.

Việt Nam đã ban hành Chiến lược ứng dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình năm 2006, Luật Năng lượng Nguyên tử năm 2008 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã ký Hiệp định Bảo đảm Hạt nhân và Nghị định thư bổ sung với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng như tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân của IAEA.

Trên tinh thần đó, Đại sứ Dương Chí Dũng kêu gọi các nước tham gia các điều ước quốc tế về an ninh, toàn hạt nhân, thông báo sớm, trợ giúp khi có sự cố hạt nhân, coi đây là cách bảo đảm việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình một cách an toàn, bền vững và có trách nhiệm.

[Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của quốc tế nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân]

Đại sứ Dương Chí Dũng cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của IAEA với tư cách là tổ chức quốc tế chủ chốt phụ trách vấn đề này.

Tuy nhiên, Việt Nam đề nghị việc thanh sát và kiểm chứng phải dựa trên cơ sở khách quan, công bằng, không phân biệt đối xử, đồng thời phải đáng tin cậy về mặt kỹ thuật, kể cả việc thu thập thông tin của các nước có liên quan, phù hợp với các hiệp định bảo đảm hạt nhân và nghị định thư bổ sung.

Đại sứ cảm ơn IAEA đã hỗ trợ Việt Nam và các nước đang phát triển cũng như một số đối tác đã hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong thời gian qua. Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với IAEA, coi đây là cam kết về sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình bền vững và thịnh vượng.

NPT là hiệp ước quốc tế nền tảng về không phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân, được mở ký tháng 7/1968, có hiệu lực từ tháng 3/1970 và hiện có 191 nước thành viên. Việt Nam tham gia NPT tháng 6/1982, luôn thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình và được các nước đánh giá cao.

Việc thực hiện NPT được kiểm điểm 5 năm một lần và Hội nghị kiểm điểm NPT 2020 cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Hiệp ước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục