Việt Nam sử dụng muối iốt ít hơn so với khuyến nghị của WHO

Tiến sỹ, bác sỹ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết chỉ có các khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đạt mức trung vị iốt niệu trên 100 mcg/l.
Ảnh minh họa.

Việc bổ sung iốt vào muối ăn là một biện pháp đơn giản nhưng rất quan trọng trong việc ngăn chặn các rối loạn sức khỏe do thiếu hụt iốt, được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, quyết định bắt buộc sử dụng muối iốt từ lâu đã được coi là một chính sách sức khỏe cộng đồng quan trọng nhằm đẩy lùi tình trạng thiếu iốt lan rộng.

Tuy nhiên, việc tăng cường vi chất vào thực phẩm nói chung và muối iốt nói riêng làm gia tăng chi phí sản xuất của các cá nhân, doanh nghiệp chế biến thực phẩm.

Đối phó với quy định bắt buộc sử dụng muối iốt các doanh nghiệp đã đưa ra các ý kiến trái chiều về việc áp dụng iốt trong chế biến thực phẩm. Điều này không chỉ khiến nhiều người dân từ chối sử dụng muối iốt mà còn gây ra những hệ quả tiêu cực tiềm tàng cho sức khỏe cộng đồng.

Bức tranh toàn cảnh về thiếu hụt muối iốt tại Việt Nam

Thiếu hụt iốt không phải là vấn đề mới ở Việt Nam, thời kỳ đầu, cuộc điều tra dịch tễ học năm 1994 cho thấy tình trạng thiếu iốt xảy ra phổ biến ở cả khu vực thành thị, nông thôn, từ vùng núi đến đồng bằng và cả các tỉnh ven biển. Đáng lo ngại, tỷ lệ trẻ em từ 8-12 tuổi bị bướu cổ lên tới 22,4%, một con số rất cao so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vốn chỉ khuyến nghị tỷ lệ bướu cổ dưới 5%.

Trước tình hình đáng báo động đó, vào năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 481/TTg về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối iốt. Đến năm 1999, Nghị định số 19/1999/NĐ-CP về việc sản xuất và cung ứng muối iốt thay thế Quyết định số 481/TTg, bắt buộc tất cả các loại muối sử dụng cho ăn uống đều phải chứa iốt chính thức có hiệu lực.

Nhờ chính sách này, trong vòng 6 năm, Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn quốc tế về phòng ngừa các rối loạn do thiếu iốt. Tỷ lệ bao phủ muối iốt trong cộng đồng đạt hơn 90%, mức trung vị iốt niệu trên cả nước vượt 100 mcg/l - mức khuyến cáo của WHO để phòng ngừa các bệnh liên quan đến thiếu iốt. Năm 2005, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em cũng giảm xuống dưới 5%, ghi dấu ấn quan trọng cho một quốc gia từng chịu gánh nặng lớn từ thiếu hụt iốt.

Truyền thông hiệu quả việc sử dụng muối iốt thường xuyên trong bữa ăn cho học sinh huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Tuy nhiên, vào năm 2005, Việt Nam chuyển sang một cơ chế quản lý mới và không còn bắt buộc sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm. Điều này ngay lập tức dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong tỷ lệ sử dụng muối iốt, kéo theo sự gia tăng các trường hợp rối loạn do thiếu hụt iốt. Theo báo cáo đánh giá 9 năm sau khi nới lỏng quy định, tỷ lệ bao phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ còn dưới 50%, mức trung vị iốt niệu giảm xuống còn 84 mcg/l - thấp hơn rất nhiều so với mức an toàn của WHO. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em tăng lên 8,3%, gần gấp đôi so với năm 2005 khi chúng ta tuyên bố thành công trong việc giảm tình trạng này.

Năm 2014-2015, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi đã tăng lên 8,3% (điều tra trên quy mô toàn quốc trên hàng nghìn trẻ). Khẳng định Việt Nam thiếu iốt không chỉ ở miền núi mà còn thiếu ở cả các khu vực duyên hải miền Trung (ven biển).

Lợi ích của việc sử dụng muối iốt đối với sức khỏe cộng đồng

Một số ý kiến cho rằng người dân tại vùng biển, vốn có nguồn iốt tự nhiên từ hải sản, sẽ dễ bị thừa iốt nếu bổ sung qua muối. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng iốt từ thực phẩm tự nhiên không ổn định và không thể đảm bảo nhu cầu iốt hàng ngày của cơ thể.

Tiến sỹ, bác sỹ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết chỉ có các khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đạt mức trung vị iốt niệu trên 100 mcg/l. Các vùng khác, bao gồm duyên hải miền Trung (khu vực ven biển), vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt iốt. Cụ thể, mức trung vị iốt niệu ở các khu vực như sau: Tây Nguyên đạt 118,5 mcg/l, Đồng bằng sông Hồng là 89 mcg/l, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 95 mcg/l, Đông Nam Bộ đạt 107 mcg/l, Đồng bằng Sông Cửu Long là 93 mcg/l.

Theo Báo cáo 2021 của Mạng lưới toàn cầu về phòng, chống các rối loạn do thiếu iốt, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu iốt.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng thừa iốt thực sự là trường hợp hiếm và thường chỉ xuất hiện khi bổ sung quá nhiều qua các loại thực phẩm chức năng hoặc thuốc. Việc sử dụng muối iốt hàng ngày ở mức vừa phải là cách an toàn và hiệu quả để cung cấp đủ iốt cho cơ thể, giảm nguy cơ mắc các rối loạn tuyến giáp.

Việc bổ sung iốt trong muối ăn mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe. Trước tiên, iốt là thành phần thiết yếu để tuyến giáp tổng hợp hormone giúp duy trì các chức năng sinh lý cơ bản, bao gồm phát triển trí tuệ và thể lực. Ở trẻ em, thiếu iốt có thể dẫn đến chậm phát triển trí tuệ và giảm khả năng học hỏi. Ở phụ nữ mang thai, thiếu iốt có thể gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân sau khi mổ bướu cổ. (Nguồn: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ)

Ngoài ra, thiếu iốt cũng có thể gây các bệnh lý về tuyến giáp như bướu cổ và suy giáp, dẫn đến mệt mỏi, suy nhược và giảm năng suất lao động. Các nghiên cứu cho thấy thiếu iốt gây ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng gánh nặng chi phí y tế.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt iốt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP vào năm 2016, yêu cầu tất cả muối dùng cho ăn uống và chế biến thực phẩm đều phải bổ sung iốt. Đây là biện pháp quyết liệt nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thiếu hụt iốt, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững cho sức khỏe cộng đồng. Sau khi áp dụng Nghị định này, mức iốt trung vị niệu đã có sự cải thiện, tăng từ 84 mcg/l vào năm 2014 lên 97 mcg/l vào năm 2018, tuy vẫn dưới mức an toàn nhưng là một bước tiến đáng ghi nhận.

Hiện, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Theo dự thảo Nghị định, đối với quy định của khoản 1, Điều 6 của Nghị định, Bộ Y tế đề nghị giữ nguyên quy định về các thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng tương ứng, gồm muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp.

Bộ Y tế cũng cho biết chưa nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào của doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường iốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo theo hướng giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 09/2016/NĐ-CP và chỉ sửa một số nội dung cho phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét trong tháng 11 này.

Trong bối cảnh thiếu hụt iốt vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng, việc sử dụng muối iốt là giải pháp thiết yếu và an toàn. Từ chối sử dụng muối iốt không chỉ đẩy cá nhân vào nguy cơ bệnh do thiếu iốt mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe toàn xã hội. Do đó, mỗi người dân cần hiểu rõ và ủng hộ chính sách bổ sung iốt, đồng thời tăng cường sử dụng muối iốt để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Việc tiếp cận thông tin đầy đủ về lợi ích của muối iốt, tác hại của việc thiếu hụt iốt sẽ giúp cộng đồng đưa ra lựa chọn đúng đắn, bảo vệ sức khỏe bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục