Tại Việt Nam, nguồn nhân lực hàng không kỹ thuật cao cụ thể là đội ngũ phi công chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước ngoài. Vì thế, để huấn luyện đào tạo, phát triển tại chỗ nguồn nhân lực phi công đẳng cấp quốc tế, Công ty Cổ phần Đào tạo Bay Việt (VFT) hướng tới triển khai huấn luyện toàn bộ giai đoạn bay thực hành tại Việt Nam vào năm 2022.
“Nếu được đào tạo hoàn toàn tại Việt Nam, học viên sẽ tiết kiệm được khoảng 10-15% chi phí, tương đương khoảng 200-300 triệu đồng,” ông Nguyễn Nam Liên, Tổng giám đốc VFT khẳng định.
[Việt Nam có thể đào tạo phi công nội địa với chất lượng quốc tế?]
Ông Liên nhìn nhận, ngành vận tải hàng không Việt Nam hiện nay được xếp vào nhóm 7 thị trường có tốc độ phát triển "nóng" nhất toàn cầu, đảm nhận chuyên chở lên tới hàng trăm triệu khách/năm. Các hãng hàng không liên tục phát triển đội tàu bay để đáp ứng nhu cầu vận tải xuất phát từ tăng trưởng kinh tế, xu thế toàn cầu hóa, chủ trương phát triển đội tàu bay đã tạo tiền đề cơ bản cho sự tăng trưởng, nâng cao vị thế của hàng không Việt Nam.
Trong vòng 20 năm tới, theo dự báo, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, thế nhưng, ông Liên thừa nhận, nguồn nhân lực hàng không kỹ thuật cao cụ thể là đội ngũ phi công đến nay chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước ngoài.
“Do đó, việc xây dựng nền móng vững chắc để huấn luyện đào tạo, phát triển tại chỗ nguồn nhân lực phi công đẳng cấp quốc tế là hết sức cấp bách nhằm góp phần thúc đẩy các hãng hàng không nội địa hóa nguồn nhân lực phi công làm cơ sở cho việc cân đối giá thành hoạt động khai thác, nâng cao thế chủ động, năng lực cạnh tranh ngành cũng như đảm bảo cho sự tăng trưởng ổn định trong dài hạn,” ông Liên nhấn mạnh.
Ngay từ khi thành lập, VFT đã mong muốn xây dựng một trường bay hoàn chỉnh nhằm từng bước đảm bảo nguồn cung cấp phi công cơ bản cho ngành Hàng không Việt Nam và khu vực. Tuy nhiên, hiện tại, việc đào tạo của VFT mới chỉ dừng ở mức huấn luyện lý thuyết và huấn luyện trên buồng lái mô phỏng (SIM). Các học viên sau đó được đưa ra nước ngoài để huấn luyện bay thực tế.
“Đến nay Bay Việt đã cung cấp cho ngành hàng không Việt Nam trên 250 phi công, hướng tới cung cấp tối thiểu 50% nguồn lực phi công trong nước và khu vực vào năm 2022,” Tổng giám đốc VFT tiết lộ.
Để có thể đạt phê chuẩn tổ chức huấn luyện mức 1, đào tạo phi công cơ bản hoàn toàn ở trong nước, VFT đã lên kế hoạch xây dựng một trường bay hoàn chỉnh tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, giai đoạn 1 (2019-2021), VFT sẽ hợp tác với các trường bay nước ngoài (đã được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn) chuyển giao công nghệ, huấn luyện học viên đạt đến bằng lái phi công tư nhân. Sau đó, học viên sẽ được gửi đi các trường bay đối tác của Bay Việt tại nước ngoài để hoàn thành hai giai đoạn huấn luyện tiếp theo là bay bằng thiết bị trên máy bay nhiều động cơ và bằng lái phi công thương mại.
Giai đoạn 2 (từ 2022-2023), VFT sẽ đầu tư toàn bộ hạng mục của trường bay, tiếp tục hợp tác với trường bay nước ngoài để chuyển giao công nghệ, huấn luyện học viên đạt đến bằng lái phi công thương mại với số lượng từ 80-100 học viên, đội máy bay huấn luyện khoảng 15 chiếc.
“Để có thể sở hữu được tấm bằng phi công thương mại, mỗi học viên phải chi khoảng 1,8-2 tỷ đồng. Nếu được đào tạo hoàn toàn tại Việt Nam, học viên sẽ tiết kiệm được khoảng 10-15% chi phí, tương đương khoảng 200-300 triệu đồng,” ông Liên khẳng định.
['Trình độ tay nghề phi công Việt Nam tương đương thế giới']
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đào tạo Bay Việt cũng đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương xây dựng trung tâm huấn luyện phi công cơ bản và triển khai đào tạo phi công tại cụm sân bay Rạch Giá, Cà Mau, Cần Thơ, trong đó Rạch Giá là sân bay căn cứ huấn luyện chính.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến, giai đoạn 2020-2030, nước ta sẽ có tới 250 tàu bay và tính toán từ nay đến 2030, ngành hàng không dân dụng Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công/năm để đáp ứng nhu cầu phát triển trong khi chưa có trung tâm đào tạo huấn luyện phi công nên hầu hết phải đào tạo tại nước ngoài, chi phí đào tạo cao, lãng phí nguồn lực xã hội và đặc biệt không chủ động được nguồn nhân lực./.