Việt Nam sẽ thành trung tâm thời trang của khu vực?

Năm 2010, ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu 11,2 tỷ USD, trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của cả nước. Không chỉ tập trung vào xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu thị trường, tăng cường công tác thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, toàn ngành đã đặt mục tiêu phát triển theo hướng chất lượng cao, chuyên môn hóa và hợp tác hóa, nâng tầm thương hiệu quốc tế, đưa Việt Nam trở thành trung tâm thời trang của khu vực.
Với kim ngạch xuất khẩu hơn 11,20 tỷ USD trong năm 2010, dệt may đã bỏ xa vị trí số 2 của da giày và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng hiện ngành dệt may vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là vấn đề năng suất. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dẫn đầu nhưng nhập khẩu nguyên, phụ liệu cũng tăng cao; thu dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng thấp; sản phẩm công nghiệp chủ lực nhưng lại chủ yếu gia công...ngành dệt may Việt Nam bao hàm trong đó nhiều nghịch lý giữa con số thực hiện và hiệu quả thực tế.

Do đó, nhìn nhận về hướng đi sắp tới của ngành dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường cho rằng giải pháp bắt buộc là phải nâng cao năng suất, trong đó có tính đến việc phát triển cụm ngành để kết nối chuỗi sản xuất hiệu quả hơn, hướng tới cạnh tranh.

Cùng khởi sắc

Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong những năm qua, ngành dệt may luôn đạt mức tăng trưởng trên 17%/năm. Năm 2009, nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ các giải pháp kích cầu của chính phủ, kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt trên 9 tỷ USD, chỉ giảm 0,4% so với năm 2008 trong điều kiện giá cả hàng hóa thế giới giảm mạnh.

Bước sang năm 2010, toàn ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu cao, đạt kim ngạch gần 9,2 tỷ USD; tăng 23% so với cùng kỳ năm 2009 và đã vượt kim ngạch cả năm 2009. Bởi vậy, năm 2010, toàn ngành đã đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 11,20 tỷ USD, đưa dệt may trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, duy trì được vị trí tốp 10 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.

Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2010, Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của dệt may Việt Nam. Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu năm 2010 của ngành dệt may Việt Nam, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2009. Vì thế, thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ cũng tăng từ 4,6% lên 5,1%.

Đáng chú ý là khi một số nước xuất khẩu dệt may vào Mỹ bị sụt giảm, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao (khoảng 20%), chiếm 55% thị phần xuất khẩu vào thị trường này, EU 20%, Nhật Bản gần 10%.

Với những thuận lợi trong các Hiệp định thương mại được ký kết, Việt Nam đang mở rộng thị trường xuất khẩu dệt may sang nhiều thị trường tiềm năng khác. Sự nỗ lực của toàn ngành dệt may trong năm qua đã đưa Việt Nam trở thành nhà cung ứng hàng dệt may lớn và lọt vào top 5 nhà sản xuất dệt may lớn nhất thế giới.

Tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, dệt may Việt Nam đứng thứ 2 trong xuất khẩu mặt hàng này và chiếm khoảng 2,5% trong tổng thị phần dệt may toàn cầu. Vitas khẳng định với mục tiêu đề ra 13 tỷ USD trong năm 2011 có thể là hiện thực đối với ngành Dệt May Việt Nam.

Không chỉ tập trung vào mảng xuất khẩu như nhiều năm trước, thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may cũng đã coi trọng hơn thị trường trong nước khiến cho mảng thị trường dệt may nội địa ngày càng khởi sắc hơn. Nhiều doanh nghiệp khẳng định được chỗ đứng của mình.

Cùng đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu thị trường, tăng cường công tác thiết kế thời trang và sản phẩm mới, tổ chức dây chuyền sản xuất chuyên biệt phù hợp, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị tại các thành phố lớn kết hợp với chương trình đưa hàng về nông thôn; tham gia tích cực vào các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;” “Doanh nghiệp dệt may đồng hành cùng đồng bào biển đảo của Tổ quốc”, nhiều doanh nghiệp không những tăng thêm được doanh thu, lợi nhuận, mà còn thiết lập, mở rộng được mạng lưới tiêu thụ rộng khắp trong cả nước.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn tồn tại những điểm yếu như công nghiệp phụ trợ kém phát triển, tỷ lệ gia công còn cao, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa có khả năng cung cấp trọn gói, khả năng thiết kế thời trang còn hạn chế…

Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm thời trang của khu vực

Theo ông Lê Tiến Trường, cùng với cơ hội thị trường tiêu thụ đang dần hồi phục và những lợi thế của mình, tới đây ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh. Mục tiêu của ngành dệt may đến năm 2015 là phát triển dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD, với tỷ lệ nội địa hóa là 60%, thu hút trên 2.500.000 lao động.

Đặc biệt, phát triển dệt may theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa, xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm thời trang của khu vực.

Sang năm mới với nhiệm vụ mới, toàn ngành dệt may đặt ra mục tiêu tập trung phát triển theo hướng “chất lượng, thời trang, trách nhiệm xã hội và thân thiện với môi trường.” Không những thế, việc tái cơ cấu về phương thức kinh doanh trong ngành may xuất khẩu cũng sẽ theo hướng chuyển dần từ phương thức gia công sang bán sản phẩm với thiết kế của chính các doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, sản phẩm của ngành dệt may xuất khẩu sẽ đi vào hướng chất lượng cao, chứ không làm những sản phẩm cấp thấp nhằm nâng cao thương hiệu của thời trang Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đối với thị trường nội địa, việc tăng năng lực cạnh tranh và lập sơ đồ phát triển ngành may tại các địa phương được đặc biệt chú trọng. Tập đoàn Dệt may cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cấp trung và cấp cao, đồng thời giải quyết được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định nguồn lao động.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trường, xuất phát điểm hiện nay của dệt may sau 15 năm phát triển, điểm yếu lớn nhất chính là sự không liên thông để đảm bảo cung ứng từ đầu đến cuối trong toàn chuỗi cung ứng. Để giải quyết bài toàn này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hoạch địch chính sách của Nhà nước phải xây dựng thành các cụm dệt may liên thông, đảm bảo cho dệt may Việt Nam trở thành một ngành có giá trị gia tăng cao hơn, đi từ khâu đầu tới khâu cuối./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục