Việt Nam sẽ là nước phục hồi kinh tế tốt thứ hai châu Á-TBD?

Trước những diễn biến khả quan hơn của kinh tế thế giới, sự phục hồi khá nhanh của Trung Quốc, có cơ sở để hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ và rõ nét của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam sẽ là nước phục hồi kinh tế tốt thứ hai châu Á-TBD? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings vừa đưa ra nhận định Việt Nam có khả năng sẽ là quốc gia phục hồi kinh tế tốt thứ 2 châu Á-Thái Bình Dương.

Đề cập về nhận định này, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết dù dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nhưng các quốc gia đã nhận thức đúng đắn mức độ nghiêm trọng và hậu quả của dịch bệnh thông qua nỗ lực phòng, chống và thích nghi dần với dịch bệnh trong tình hình mới.

Hiện nay, bối cảnh quốc tế đã thuận lợi hơn so với trước đó khi nhiều nền kinh tế tái khởi động sau thời gian phong tỏa do dịch COVID-19; đồng thời các tổ chức quốc tế và định chế tài chính lớn lần lượt nâng mức dự báo tăng trưởng GDP thế giới trong năm 2020.

Mặc dù tình hình thương mại toàn cầu vẫn gặp khó khăn nhưng đang dần cải thiện. Giá cả trên thị trường hàng hóa có xu hướng phục hồi; dòng vốn vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có xu hướng gia tăng.

Lạm phát duy trì ở mức thấp do nhiều quốc gia trên thế giới duy trì mức lãi suất thấp, phù hợp với bối cảnh hiện nay nhằm thúc đẩy khôi phục sản xuất, kích thích tiêu dùng, tạo động lực cho nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.

Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia Dương Mạnh Hùng nhấn mạnh trước những diễn biến khả quan hơn của kinh tế thế giới, sự phục hồi khá nhanh của Trung Quốc, có cơ sở để hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ và rõ nét của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông, kinh tế thế giới phục hồi làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, qua đó thúc đẩy hồi phục và phát triển kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu như nông sản, dệt may, giày dép, lắp ráp linh kiện điện tử...

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có hiệu lực và đang được các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai.

Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp kê khai các mặt hàng thuộc diện được hưởng lợi với các mức thuế cắt giảm theo Hiệp định EVFTA, giúp khôi phục hoạt động xuất khẩu vào thị trường châu Âu - vốn là thị trường truyền thống lớn của Việt Nam.

Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh cũng là tín hiệu tốt đối với kinh tế Việt Nam do đây là thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của Việt Nam. 

Cùng với đó, nông nghiệp được xem là "trụ đỡ" của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 bởi thời tiết thuận lợi cho hoạt động trồng trọt, nhiều loại cây ăn quả được mùa. Giá gạo và thị trường tiêu thụ một số nông sản ổn định. Việc tái đàn lợn đang được thực hiện khá tốt ở những cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn do tạm thời kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi và sản lượng lợn quý 4/2020 dự kiến tăng khá cao so với năm 2019.

[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tình hình kinh tế xã hội ngày càng tốt hơn]

"Ngành công nghiệp chế tạo tháng 9 tăng cao và có xu hướng tăng trưởng trở lại trong quý 4. Mặc dù tình hình đầu tư công hiện mới giải ngân được gần 60% nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc sát sao của các cấp, ngành, địa phương nên dư địa thúc đẩy tăng trưởng đầu tư công quý 4 là rất lớn…," ông Hùng cho hay.

Đồng thời, Việt Nam đã qua 4 tuần không xuất hiện ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Khả năng hồi phục các hoạt động dịch vụ thị trường rất khả quan và có xu hướng tăng trưởng trở lại.

Việt Nam cũng đang xem xét khả năng mở lại các đường bay quốc tế và trong nước theo các phương án an toàn. Điều đó cho thấy tiềm năng của các ngành vận tải, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm.

Với những dấu hiệu khả quan, dự báo kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục