Thông tin BlackPink sẽ đến Hà Nội biểu diễn vào cuối tháng Bảy đã gây chấn động người hâm mộ Việt Nam. Rất nhiều khán giả đang đếm ngược từ nay đến ngày 7/7 để có thể “săn” được những chiếc vé quý giá bởi thực tế là các concert của nhóm nhạc này trên khắp thế giới đều “cháy” vé một cách nhanh chóng.
Tại quê hương của BlackPink, đại nhạc hội Dream Concert, sự kiện K-pop lớn nhất, lâu đời nhất Hàn Quốc đã diễn ra liên tục trong suốt gần 30 năm, thu hút tổng số 1,55 triệu người từ nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, đem lại doanh thu không nhỏ về kinh tế, du lịch.
Sức hút của BlackPink nói riêng và K-pop nói chung khiến cho thế giới phải "ngả mũ thán phục" nền công nghiệp văn hóa giải trí của Hàn Quốc. Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với ông Moon Young Bae, Trưởng Phòng Marketing toàn cầu, Cục Xúc tiến du lịch thành phố Busan, Hàn Quốc về vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa.
Tận dụng sức mạnh văn hóa
- Thưa ông, Dream Concert diễn ra 27/5 vừa qua đã thu hút 30.000 khán giả đến từ nhiều quốc gia. Xin ông cho biết sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong việc quảng bá hình ảnh thành phố Busan?
Ông Moon Young Bae: Chương trình Dream Concert được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1995 tại Seoul, thủ đô của Hàn Quốc. Thực tế, đại nhạc hội này vẫn đều đặn được tổ chức hàng năm tại Seoul với quy mô ngày càng mở rộng. Trong giai đoạn dịch bệnh, Dream Concert được tổ chức dưới hình thức online nhằm đem đến niềm vui và truyền tải năng lượng tích cực cho fan K-pop trên toàn thế giới.
[Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được “đánh thức”]
Năm nay, nhằm quảng bá và cổ vũ cho việc chạy đua đăng cai Triển lãm thế giới World Expo tại Busan nên Ban tổ chức đã mang chương trình này đến Sân vận động ASIAD, Busan. Có thể nói, nhờ sức lan tỏa lớn của Dream Concert mà lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Busan trong thời gian gần đây tăng đáng kể. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, chương trình đã thu hút khán giả đến từ hơn 20 quốc gia.
Tôi nghĩ tiếng vang của chương trình đã góp phần rất lớn giúp Busan trở thành một điểm đến du lịch văn hóa nói chung và điểm đến du lịch Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) nói riêng.
- Ngoài âm nhạc, Busan tận dụng thế mạnh văn hóa như thế nào để quảng bá hình ảnh?
Ông Moon Young Bae: Busan cũng là một thành phố mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm đặc sắc về văn hóa, trong đó có thể kể đến yếu tố ẩm thực được nhiều khách du lịch nước ngoài biết đến rộng rãi.
Đặc biệt hơn, gần đây văn hóa Hàn Quốc K-Culture đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới, vì vậy chúng tôi cũng đang tận dụng sức mạnh đó để quảng bá Busan. Một trong các chiến lược chúng tôi đang thực hiện đó là hỗ trợ chi phí sản xuất để Busan xuất hiện trong bộ phim truyền hình được phát sóng trên các nền tảng OTT. Nếu những bộ phim này được công chiếu trên toàn thế giới thì sẽ có nhiều người biết đến Busan hơn.
Chờ đợi làn sóng văn hóa Việt Nam vươn xa
- Việt Nam cũng đang triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ông có nhận định như thế nào về thế mạnh của Việt Nam?
Ông Moon Young Bae: Việt Nam là một quốc gia vô cùng tiềm năng và đang được biết đến nhiều hơn trong giai đoạn gần đây. Văn hóa, âm nhạc của Việt Nam cũng ngày càng được biết đến, có thể kể tới những ca khúc rất nổi tiếng như “See tình”, “2 phút hơn”… được giới trẻ Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung rất yêu thích.
Tôi nghĩ rằng với những điểm mạnh này, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đưa nền âm nhạc và giải trí ngày càng phát triển hơn nữa. Một khi nền công nghiệp giải trí của Việt Nam được điều phối đúng hướng thì trong tương lai không xa, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa làn sóng của riêng mình vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế, đem lại nhiều lợi nhuận góp phần phát triển kinh tế quốc gia.
- Dựa trên kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ cách thức tổ chức thành công một chương trình âm nhạc thường niên như Dream Concert?
Ông Moon Young Bae: Như tôi đã nói, với những tiềm năng đang sẵn có về con người trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có thể trở thành một làn gió mới trong ngành giải trí thế giới. Để duy trì một chương trình đại nhạc hội lớn như Dream Concert, Ban tổ chức đã phải chuẩn bị tất cả các khâu liên quan từ rất sớm, tuy nhiên vì đây là sự kiện thường niên nên kinh nghiệm từ các năm trước luôn là nền tảng để chúng tôi cải thiện hơn chất lượng cho các năm tiếp theo.
Tôi được biết Việt Nam cũng từng tổ chức các chương trình có quy mô tương tự như vậy, do đó, để nói về kinh nghiệm có lẽ chúng tôi cũng phải học hỏi từ các bạn rất nhiều.
- Phía Busan có chính sách gì để thu hút khách từ thị trường Việt Nam?
Ông Moon Young Bae: Vào thời điểm trước dịch, Busan thu hút khoảng 2,7 triệu du khách nước ngoài mỗi năm, trong đó có khoảng 120.000 khách du lịch từ đất nước của các bạn. Việt Nam là một thị trường rất quan trọng đối với ngành du lịch Busan.
Chúng tôi đánh giá Việt Nam là thị trường có lượng khách du lịch cá nhân cũng như khách đoàn đều khá lớn. Vì vậy, việc hợp tác với các công ty du lịch để đáp ứng thị trường này là vô cùng cần thiết.
Chúng tôi sẽ có những chính sách tập trung vào đối tượng là khách du lịch Việt Nam. Chẳng hạn, vào khoảng tháng Chín, chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch tại Hà Nội. Ngay từ bây giờ, chúng tôi đang lên kế hoạch cho chương trình này.
Gần đây, chúng tôi đã triển khai một loại thẻ du lịch là Visit Busan Pass. Chỉ với khoảng 40-50 USD, bạn có thể tham quan 30 địa điểm du lịch Busan miễn phí. Tôi hy vọng thông qua loại hình thẻ này, khách du lịch Việt Nam cũng có thể tận hưởng chuyến du lịch Busan một cách thoải mái và tiện nghi hơn. Mong là du khách Việt Nam sẽ đến Busan ngày càng nhiều hơn./.