Việt Nam sản xuất thành công vắcxin phòng bệnh lở mồm long móng

Lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất thành công vắcxin lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion type O, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Lễ ký văn bản chuyển giao giống virus lở mồm long móng type A 'RAH06/FMD/A-379' để sản xuất vắcxin thương mại giữa Chi Cục Thú y vùng VI và các doanh nghiệp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 17/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì Lễ công bố vắcxin phòng bệnh lở mồm long móng type O và chuyển giao giống virus LMLM type A để sản xuất vắcxin.

Sau nhiều năm nghiên cứu và trải qua quá trình thẩm định, dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và việc tổ chức có hiệu quả của Cục Thú y, lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất thành công vắcxin  lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion type O, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành đã công bố quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc cấp phép lưu hành thuốc thú y đối với vắcxin phòng bệnh lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion type O của công ty AVAC, đơn vị trực thuộc công ty Cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn (RTD).

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thông báo Quyết định công nhận giống virus  lở mồm long móng type A “RAHO6/FMD/A-379” của Chi cục Thú y vùng VI dùng để sản xuất vắcxin.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết bệnh lở mồm long móng là bệnh quan trọng nhất cho lợn và các loại gia súc, bởi đây là loại bệnh rất nguy hiểm, lây lan rất nhanh và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, việc Việt Nam lần đầu tiên sản xuất được chủng vắcxin lở mồm long móng type O có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Cục Thú y phối kết hợp với doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch triển khai loại vắcxin lở mồm long móng một cách bài bản và hiệu quả; tiếp tục nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tìm nhiều phương pháp để khi sử dụng sản phẩm trong sản xuất chăn nuôi một cách thuận tiện nhất; cần thêm nhiều doanh nghiệp tham gia.

[Cơ bản đã khống chế được các dịch bệnh gia súc, gia cầm]

Ông Nguyễn Xuân Cường cũng biểu dương Chi cục Thú y vùng VI trong việc nghiên cứu đưa ra những sản phẩm vắcxin mới liên quan đến bệnh lở mồm long móng, để từ nền tảng này Việt Nam có thể tự chủ về vắcxin.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Thú y phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, yêu cầu tới đây đối với ngành chăn nuôi là xây dưng kế hoạch phát triển vắcxin cho một số điểm, tỉnh, vùng an toàn sinh học để các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam giành được thị trường xuất khẩu bền vững.

Với việc sản xuất thành công vắcxin lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion type O, Việt Nam sẽ không còn bị động như về chủng loại, số lượng như tình trạng xảy ra trong thời gian qua; hoàn toàn chủ động về việc lựa chọn chủng loại virus lở mồm long móng phù hợp; có tính tương đồng cao nhất về kháng nguyên so với các chủng virus lở mồm long móng lưu hành tại Việt Nam. Do đó, hiệu quả vắcxin sẽ cao, giúp cho việc phòng bệnh cho gia súc đạt hiệu quả. Giá thành vắcxin bước đầu cũng sẽ giảm khoảng 20%, do đó tỷ lệ gia súc tiêm phòng sẽ được tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trao Quyết định công nhận giống virus lở mồm long móng type A cho Chi cục Thú y vùng VI. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thành công này được coi là bước ngoặt của ngành thú y Việt Nam trong quá trình làm chủ công nghệ để sản xuất các loại vắcxin, kể cả vắcxin phòng bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng. Việc chủ động sản xuất vắcxin lở mồm long móng cũng giúp người chăn nuôi và ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng chục triệu USD mỗi năm, góp phần khống chế, tiến tới loại trừ bệnh lở mồm long móng ở Việt Nam.

Công ty RTD là một trong 3 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép tham gia thực hiện Đề án "Thí điểm sản xuất vắcxin thương mại sử dụng chủng virus lở mồm long móng lưu hành tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục