Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Latvia

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Latvia tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam đến thị trường Latvia, nhất là nông-lâm-thủy hải sản, hàng dệt may, giày dép, sản phẩm mây tre đan, gỗ...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkevics đang ở thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 17/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkevics.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Edgars Rinkevics; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần đưa mối quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Bộ trưởng Ngoại giao Edgars Rinkevics cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp và cho biết Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã có cuộc hội đàm hiệu quả, mở ra hướng hợp tác mới giữa hai nước trong thời gian tới.

Hai nước cũng đã ký Hiệp định hợp tác về lĩnh vực giáo dục. Nhấn mạnh, sau chuyến thăm, phía Latvia có một danh sách dài các công việc cần thực hiện để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Edgars Rinkevics cũng đề nghị Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Latvia tăng cường hợp tác, sớm thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị tại Quốc hội mỗi nước để góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước; nhấn mạnh Việt Nam và Latvia có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp.

Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Latvia trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây và trong sự nghiệp phát triển đất nước ngày nay.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc; cảm ơn Latvia đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và phối hợp của Latvia trong thời gian thực hiện trọng trách của mình tại Hội đồng Bảo an.

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Latvia tại ASEAN, còn Latvia là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam trong 3 nước Baltic với kim ngạch song phương năm 2018 đạt 187,2 triệu USD, 5 tháng đầu năm nay đạt 88,9 triệu USD.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng những kết quả này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp và tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai Bên tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam-Latvia và các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại - đầu tư. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là khởi đầu tạo ra các cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư giữa hai nước.

Trong thời gian tới, hai bên cần thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để doanh nghiệp hai nước nghiên cứu thị trường của nhau, tăng cường thông tin, tuyên truyền về môi trường đầu tư kinh doanh, tiềm năng, cơ hội hợp tác...

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Latvia tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam đến thị trường Latvia, nhất là nông-lâm-thủy hải sản, hàng dệt may, giày dép, sản phẩm mây tre đan, gỗ...

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Latvia đầu tư vào các lĩnh vực mà Latvia có thế mạnh như: công nghệ xanh, chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến gỗ, sản xuất thiết bị máy móc...

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự ủng hộ của Latvia trong việc thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); đề nghị Latvia tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn EVFTA và Quốc hội Latvia sớm phê chuẩn IPA theo thủ tục của EU.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng việc thực thi 2 hiệp định này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho quan hệ hợp tác Việt Nam-EU mà còn cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Latvia.

Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Việt Nam và Latvia ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Đây cũng là lĩnh vực hai bên có truyền thống hợp tác trước đây.

Bên cạnh đó, việc Latvia thành lập Phòng thử nghiệm tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội sẽ đóng góp tích cực cho việc đào tạo nhân lực của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên nghiên cứu, xem xét hướng đến việc ký thỏa thuận hợp tác về lao động.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ Latvia tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Latvia ổn định cuộc sống, có cơ hội phát triển kinh doanh, đồng thời phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

[Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Latvia]

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí cao với đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Lavia về quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước; nhấn mạnh Việt Nam và Latvia là các nước bạn bè truyền thống nên Quốc hội hai nước cần tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn các cấp bao gồm cấp cao, cấp Ủy ban và giữa Nghị sỹ hai nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Latvia tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế mà hai nước là thành viên như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương, trao đổi về các vấn đề khu vực quốc tế cùng quan tâm.

Nhân dịp này, qua Bộ trưởng Edgars Rinkevics, Chủ tịch Quốc hội đã gửi lời mời Chủ tịch Quốc hội Latvia thăm chính thức Việt Nam.

Bộ trưởng Edgars Rinkevics nêu rõ, Việt Nam và Latvia đang xem xét để ký Thỏa thuận về lao động. Chính phủ Latvia đang xem xét chính sách mới về di cư thông minh và lao động. Việt Nam và Latvia đều là những nền kinh tế đang có tốc độ phát triển nhanh.

Bộ trưởng Edgars Rinkevics hy vọng hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư; khẳng định, Latvia luôn ủng hộ và thúc đẩy vấn đề thương mại tự do trong EU và sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn EVFTA cũng như Quốc hội Latvia sớm phê chuẩn EVIPA.

Tại cuộc tiếp, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Edgars Rinkevics nêu rõ quan điểm của Latvia từ trước đến nay là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục