Việt Nam sẵn sàng là cầu nối cho Séc tiếp cận thị trường ASEAN

Trong buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế Hạ viện Séc, ông Vũ Hồng Thanh khẳng định Séc là đối tác truyền thống, quan trọng và sẵn sàng là cầu nối cho các sản phẩm của Séc tiếp cận thị trường ASEAN.
Đoàn đại biểu Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam chào xã giao Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Vojtech Filip. (Ảnh: Hồng Kỳ-Hồng Tâm/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Prague, từ ngày 25-27/6, Đoàn đại biểu Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam do ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn đã chào xã giao Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Vojtech Filip, làm việc và hội đàm với một số Bộ, ngành của Séc để thảo luận các biện pháp hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp, giám sát và quy hoạch phát triển đô thị.

Ông Vũ Hồng Thanh đã đến chào xã giao Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Vojtech Filip và cảm ơn ngài Phó Chủ tịch đã dành thời gian tiếp đoàn, mặc dù đang diễn ra kỳ họp quan trọng của Hạ viện, đồng thời mong muốn trên cương vị của mình, ông Vojtech Filip tiếp tục tích cực đóng góp cho việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Séc nói chung và giữa Quốc hội hai nước nói riêng.

Ông Vojtech Filip cũng bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam đầu tháng Sáu vừa qua, đồng thời đề nghị các cơ quan của Quốc hội hai nước tăng cường hoạt động giám sát để triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.

Phó Chủ tịch Hạ viện Séc khẳng định giữa hai nước không có trở ngại trong việc tăng cường hợp tác và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu như công nghiệp chế tạo ôtô, công nghiệp quốc phòng, nông nghiệp, năng lượng…

Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Hạ viện Séc phê chuẩn và ủng hộ việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với EU nói chung và giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc nói riêng.

Đoàn thăm và làm việc với Ủy ban kinh tế Thượng viện Séc. (Ảnh: Hồng Kỳ-Hồng Tâm/Vietnam+)

Đoàn đại biểu Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã làm việc với Ủy ban Kinh tế Thượng viện Séc nhằm trao đổi kinh nghiệm về xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý, phát triển đô thị, địa phương, làm việc với Bộ Phát triển vùng của Séc, Ủy ban Hành chính công và Phát triển vùng của Hạ viện Séc, Viện Quy hoạch và phát triển thành phố Prague nhằm trao đổi kinh nghiệm về quản lý phát triển đô thị, việc làm.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc đạt hiệu quả tốt với mục tiêu nghiên cứu phục vụ công tác thẩm tra để trình Quốc hội văn bản Luật Quản lý phát triển đô thị và các vấn đề về sửa Luật có liên quan đến hoạt động quy hoạch của Việt Nam trong thời gian tới.

"Chúng tôi thấy rằng cách triển khai quy hoạch tích hợp như của Cộng hòa Séc nếu được áp dụng phù hợp với Việt Nam thì công tác lập quy hoạch trong thời gian tới sẽ đạt hiệu quả tốt, khắc phục được bất cập trong công tác quy hoạch, nâng cao hiệu quả và khai thác tiềm lực, nguồn lực, đặc biệt là về đất đai,” ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế Hạ viện Séc, ông Vũ Hồng Thanh khẳng định Séc là đối tác truyền thống, quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung và Đông Âu. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các thiết bị mà Séc có thế mạnh như thiết bị giao thông vận tải công cộng, máy nông nghiệp, thiết bị điện tử, cơ khí chính xác, thủy tinh, pha lê, bia… đồng thời Việt Nam sẵn sàng là cầu nối cho các sản phẩm của Séc tiếp cận thị trường ASEAN.

Ủy ban Kinh tế Hạ viện Séc cần tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước để sớm được triển khai hiệu quả trong thực tế.

Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế Hạ viện Séc cho biết nền kinh tế Cộng hòa Séc hiện đang phụ thuộc và do kinh tế EU chi phối. Vì vậy, Cộng hòa Séc muốn mở rộng, tìm kiếm thị trường, trong đó Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chiến lược xuất khẩu của Séc tại khu vực châu Á giai đoạn 2012-2020.

Đoàn tham quan và dự khán một phiên họp của Hạ viện Séc. (Ảnh: Hồng Kỳ-Hồng Tâm/Vietnam+)

Cán cân thương mại với Việt Nam cũng cần giảm thâm hụt thông qua việc nâng cao tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa của Séc sang Việt Nam hiện chỉ chiếm 10%. Năm 2017, theo số liệu của phía Séc, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Séc đạt khoảng 1 tỷ USD.

Về hợp tác trong lĩnh vực lao động, Séc là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất tại châu Âu nên cũng thiếu hụt nguồn lao động đối với nhiều lĩnh vực, do đó Séc có nhu cầu tiếp nhận lao động được đào tạo về chuyên môn và tiếng Séc trong lĩnh vực y tế của Việt Nam.

Theo chương trình của đoàn Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam, Cộng hòa Séc là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm và làm việc tại châu Âu. Sau khi kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc, đoàn tiếp tục thăm và làm việc tại Hungary từ ngày 27-28/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục