Việt Nam sẵn sàng huấn luyện Bệnh viện dã chiến cho Liên hợp quốc

Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ tổ chức trao đổi chuyên môn lập kế hoạch lần cuối cho huấn luyện thực hành trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 từ ngày 8 - 9/8.
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Từ ngày 8 - 9/8, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam với sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia Hoa Kỳ và Vương quốc Anh sẽ chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng tổ chức trao đổi chuyên môn lập kế hoạch lần cuối cho huấn luyện thực hành trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, chuẩn bị đưa đơn vị này tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Cuộc thảo luận chuyên môn, kinh nghiệm nhằm thống nhất kế hoạch thực hành huấn luyện trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 để sẵn sàng triển khai tới phái bộ khi có yêu cầu của Liên hợp quốc. Hoạt động này cũng góp phần tăng cường hiểu biết, quan hệ hữu nghị và hợp tác chuyên môn giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Các sỹ quan nước ngoài tham dự buổi trao đổi chuyên môn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nội dung trao đổi tại chương trình này gồm: Tóm tắt quy trình chuẩn bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam và cập nhật tình hình triển khai Bệnh viện dã chiến của Anh tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan; thống nhất công tác đảm bảo hậu cần, hành chính tại chỗ trong giai đoạn huấn luyện thực hành trên bộ trang bị của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1; các bài tập tình huống và vận hành tổng thể Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại khu vực huấn luyện thực hành.

Việt Nam hiện là một trong số 124 quốc gia có lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Các sỹ quan Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan.

Trong tháng 4 - 6/2017, đã có thêm 7 sỹ quan quân đội Việt Nam đi làm phái bộ gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc, trong đó có 2 quan sát viên quân sự thay thế cho 2 sỹ quan liên lạc tại Nam Sudan, 3 sỹ quan tham mưu và quan sát viên quân sự thay thế cho các vị trí tương tự ở Cộng hòa Trung Phi. Ngoài ra, Liên hợp quốc còn dành cho Việt Nam thêm 2 vị trí mới là một sĩ quan phân tích tình báo và một quan sát viên quân sự tại phái bộ Cộng hòa Trung Phi.

[Ra mắt Trang thông tin điện tử Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam]

Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp giúp đỡ của các chuyên gia Hoa Kỳ và Vương quốc Anh trong quá trình chuẩn bị cho cuộc huấn luyện thực hành. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang chủ trương tiếp tục triển khai các suất cá nhân (bao gồm cả nữ), dự kiến trong thời gian tới sẽ nghiên cứu địa bàn Mali và đã tập hợp lực lượng gồm 70 người chuẩn bị cho một Bệnh viện dã chiến cấp 2 để sẵn sàng triển khai tới phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 có nhiệm vụ đảm bảo y tế cho các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; phục vụ dân thường trong trường hợp khẩn cấp.

Dự kiến đầu năm 2018, bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam sẽ được triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan, với biên chế 70 người./.


Ngày 27/5/2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được thành lập trong bối cảnh hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quân đội không ngừng được tăng cường, mở rộng; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tập trung huấn luyện, bồi dưỡng để nâng cao năng lực về quân sự, chuyên môn, ngoại ngữ cho các lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; Việt Nam đã chú trọng thu hút các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là từ các nước đối tác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Anh quốc và Ấn Độ…

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Việt Nam đã quyết định triển khai tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên 2 hình thức chủ yếu là cá nhân và đơn vị. Hình thức tham gia cá nhân như: quan sát viên quân sự, sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần và các vị trí khác theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Hình thức đơn vị là cử các đơn vị công binh, quân y và một số lĩnh vực mang tính chất nhân đạo khác.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục