Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, sáng 22/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm cùng Hội thảo “Thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam.”
Sự kiện trên thể hiện quyết tâm, hành động tổng thể của các cấp, ngành và cộng đồng Việt Nam trong công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng hiệu quả các giá trị thiên nhiên, đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái.”
Đa dạng sinh học đối mặt nhiều thách thức
Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh Việt Nam là 1 trong 12 trung tâm đa dạng sinh học; 1 trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm; phong phú, đa dạng về hệ sinh thái.
Công bố Quy hoạch Quảng Nam và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia
Quy hoạch Quảng Nam thể hiện tư duy đổi mới, phù hợp với định hướng phát triển đất nước, mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ, với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập được hệ thống gồm 178 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích hơn 2,6 triệu ha bao gồm các khu vực trên cạn và biển; 9 vùng đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar); 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 6 khu Di sản thiên nhiên thế giới; 12 vườn di sản ASEAN; 64 vùng chim quan trọng; khoảng hơn 62.000 loài sinh vật đã được xác định...
Tuy vậy, ông Thành cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
“Thực trạng trên buộc chúng ta phải xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học song hành với quá trình phát triển, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên,” ông Thành nhấn mạnh.
Về phía địa phương, ông Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương này có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của nhiều loài quý hiếm, đặc hữu (như Sao la, Hổ, Voi, Voọc chà vá, Mang Trường Sơn, Sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển) được xếp vào nhóm địa phương có tính đa dạng sinh học cao trong cả nước.
Dù vậy, ông Ảnh cũng chia sẻ nỗi lo chung khi tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam đang ngày càng lớn bởi vấn đề ô nhiễm; khai thác, sản xuất và tiêu dùng quá mức; săn bắt và buôn bán trái phép các loài hoang dã theo kiểu tận diệt, thâm canh nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản không hợp lý nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người.
"Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này thông qua các chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia cũng như sự hỗ trợ và phối hợp từ nhiều dự án quốc tế trong và ngoài nước, nhưng suy giảm đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn," ông Ảnh trăn trở.
Cần vào cuộc trách nhiệm, hành động khẩn cấp
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 với chủ đề “Be part of the Plan” - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy giảm đa dạng sinh học; gấp rút triển khai các nội dung của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu với những hành động cụ thể, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên.”
Trước đó, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP 15) được Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 12/2022 tại thành phố Montreal-Canada đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal; trong đó đặt ra các mục tiêu và biện pháp để đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong các thập kỷ vừa qua.
Tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường (đại diện cho Chính phủ Việt Nam) đã thể hiện rõ cam kết đối với quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia, qua đó một lần nữa thể hiện rõ trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi các giá trị tự nhiên.
Để đạt mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân cần vào cuộc trách nhiệm; có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong cải thiện sinh kế bền vững; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực gây suy giảm đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên; tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt các địa phương cần tăng cường các hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học; kiểm soát ô nhiễm môi trường; tăng cường năng lực điều tra, kiểm kê, quan trắc, giám sát thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học...
Phát biểu hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, Giám đốc WWF - Việt Nam Văn Ngọc Thịnh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương, đặc biệt là Quảng Nam để duy trì giá trị đa dạng sinh học, hướng đến cuộc sống hài hòa với thiên nhiên.
Ngay sau lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, hàng trăm đại biểu và người dân địa phương đã cùng nhau tham gia hoạt động thả cá giống để bổ sung nguồn lợi thủy sản đặc hữu cũng như để giữ cân bằng sinh thái cho vùng nước tự nhiên tại khu vực Hội An, tỉnh Quảng Nam./.
Các khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024:
1. Đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống trên Trái Đất.
2. Đa dạng sinh học - Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên.
3. Tiếp cận và chia sẻ công bằng lợi ích là cốt lõi của Kế hoạch đa dạng sinh học.
4. Mỗi cá nhân là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học.
5. Cùng hành động, đầu tư và hợp tác vì thiên nhiên.
6. Bảo vệ muôn loài, cuộc sống muôn màu.
7. Hợp tác xuyên biên giới vì sự sống trên Trái Đất.
8. Chung tay hành động giải quyết khủng hoảng về đa dạng sinh học và khí hậu.
9. Bảo vệ sự sống hôm nay, vì tương lai xanh ngày mai.
10. Bảo tồn thiên nhiên là tiền đề của phát triển bền vững.