Việt Nam quan tâm đến quyền con người một cách thực chất nhất

Giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân là vấn đề ưu tiên của Đảng và Nhà nước, đó cũng là sự quan tâm đến các quyền con người một cách thiết thực nhất.

Các học viên tập viết chữ tại lớp xóa mù chữ tại bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Các học viên tập viết chữ tại lớp xóa mù chữ tại bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

"Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không 'hy sinh' tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần." Đó là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về các quyền con người được nêu ra trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giảm nghèo là thiết thực thúc đẩy quyền con người

Giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân là vấn đề ưu tiên của Đảng và Nhà nước, đó cũng là sự quan tâm đến các quyền con người một cách thiết thực nhất.

Vào năm 1993, hộ nghèo ở Việt Nam chiếm tới 58,1%, đến năm 2015 còn 9,88% và đến năm 2023, hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 2,93%. Việt Nam đã trở thành một trong các hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo.

Văn phòng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và là một trong những quốc gia có tiến độ thực hiện tốt nhất các mục tiêu toàn cầu ở châu Á.

Hiện tại, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.

Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến xóa nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15/7/2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã giảm chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm.

Nghèo đa chiều là tình trạng con người không được đáp ứng ở mức tối thiểu các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại nghèo về các chiều cạnh khác.

ttxvn_giam ngheo 1.jpg
Người dân vùng cao tra hạt ngô trên nương. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Chuẩn nghèo đa chiều bao gồm 2 tiêu chí: Tiêu chí về thu nhập và Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều) là việc làm-y tế-giáo dục-nhà ở-nước sinh hoạt và vệ sinh-thông tin.

Năm 2022 là thời điểm lần đầu tiên Việt Nam áp dụng đầy đủ, toàn diện chuẩn nghèo đa chiều.

Theo ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Giảm nghèo Quốc gia (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), đây cũng là lần đầu tiên nước ta xác định chuẩn thu nhập là mức sống tối thiểu của người dân tính theo bình quân cả nước: khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng và khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng.

Không có nhiều quốc gia trên thế giới có thể áp dụng chuẩn về thu nhập theo chuẩn mức sống tối thiểu. Đây là bước tiến mà Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực để thực hiện trong việc xây dựng chính sách giảm nghèo.

Trong giai đoạn 2021-2025, những cơ chế chính sách về giảm nghèo có sự thay đổi rất lớn so với giai đoạn trước, đó là giảm nghèo trước hết phải thực chất.

Giảm nghèo đa chiều là tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt của người nghèo bao gồm thiếu hụt về thu nhập và 6 chiều dịch vụ xã hội cơ bản theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “Giảm số hộ nghèo đa chiều từ 1 đến 1,5% hằng năm."

Hỗ trợ đối tượng yếu thế cũng là bảo vệ quyền con người

Đồng bào dân tộc thiểu số và những hộ dân sinh sống ở khu vực miền núi là những đối tượng yếu thế hơn trong xã hội do các yếu tố về điều kiện tự nhiên, tập tục, trình độ sản xuất… Bởi vậy, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống của bà con, đưa miền ngược dần tiến kịp với miền xuôi.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện tại ở Việt Nam có 188 chính sách tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Chương trình định canh định cư, Chương trình 134, 135, các chương trình thuộc Nghị quyết 30a... Đáng chú ý, Chính phủ đã thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2016-2020) nhằm tăng thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo và tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ cơ bản đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.

ttxvn-xoa-mu-chu-3-1117.jpg
Lớp học xóa mù chữ tại xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong năm 2023, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2% so với năm 2022.

Các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ nghèo giảm nhanh trong năm 2023 là An Giang giảm 11,3%, Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị giảm 6,73%, Hà Giang giảm 5,96%, Yên Bái giảm 5,25%, Lào Cai giảm 5,2%, Gia Lai giảm 4,21%, Kon Tum giảm 4,04%...

Một số địa phương vùng dân tộc thiểu số có tốc độ tăng trưởng GRDP cao: Bắc Giang đạt 13,45%, Hậu Giang đạt 12,27%, Ninh Thuận đạt 9,4%, Phú Yên đạt 9,16%, Bình Phước đạt 8,34%, Trà Vinh đạt 8,25%. Các tỉnh Tuyên Quang, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Thọ, Điện Biên đều đạt mức tăng trên 7%, cao hơn chỉ số trung bình cả nước.

Nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững ở những khu vực khó khăn nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025.

Trong giai đoạn 1, Chính phủ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ nhóm đối tượng bị thiệt thòi, rút ngắn sự chênh lệch về đời sống giữa đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi với mức trung bình của cả nước cũng chính là cách bảo vệ các quyền con người một cách thực chất.

Điều quan trọng nhất đối với nhân dân Việt Nam

Đẩy lùi tình trạng nghèo đa chiều ở một đất nước đông dân và còn nhiều khó khăn là cách thiết thực nhất để Việt Nam thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN năm 2012, trong đó có “Quyền có thực phẩm thích đáng và có thể chi trả được, không bị đói, tiếp cận được với thực phẩm an toàn và có giá trị dinh dưỡng."

"Lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất." Đây là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đưa ra vào tháng 12/2021 tại Phiên toàn thể Diễn đàn Cấp cao Thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số."

Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu: “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội."

Người dân Việt Nam cần được bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách cụ thể, thiết thực như vậy chứ không cần được “ru” bằng những khái niệm nhân quyền hoa mỹ chung chung, áp đặt từ bên ngoài, bất chấp những đặc thù về thể chế chính trị, sự khác biệt về điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa, dân tộc-tôn giáo.

Tại phiên họp vào tháng 10/2022 về thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người của Ủy ban các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa thuộc Khóa 77 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nêu rõ Việt Nam đã nỗ lực và đạt nhiều thành tựu ở lĩnh vực bảo vệ quyền con người trong thời gian qua như tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững, cải cách pháp luật, thể chế để bảo đảm tốt hơn các quyền con người, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương.

Tất cả các quyền con người cần được xem xét một cách bình đẳng, trong đó các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và phát triển cần được chú trọng hơn. Trong quá trình thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người cần đề cao nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, khách quan và không chính trị hóa trong vấn đề quyền con người.

ttxvn_thu truong do hung viet 2.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo. (Ảnh: Quỳnh Anh/TTXVN phát)

Còn tại cuộc họp báo ngày 15/4/2024 tại Hà Nội về việc công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết dự kiến, vào ngày 7/5, đoàn Việt Nam sẽ tham dự phiên đối thoại về báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV đã đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định: "Một trong những nguyên tắc mang tính nền tảng của quan hệ quốc tế hiện đại và được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc đó là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Và một trong những nguyên tắc cũng mang tính nền tảng của quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đó là tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Tôi kiên quyết bác bỏ những ý kiến, những đề xuất, kiến nghị vi phạm quy tắc này"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục