Việt Nam phát triển “thần kỳ” với mức tăng trưởng nhanh trong nhiều năm

Các đại biểu Romania nhận định Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh, có nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và tận dụng tốt cơ hội từ biến chuyển của tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp lãnh đạo tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Prahova. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp lãnh đạo tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Prahova. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chương trình thăm chính thức Romania, sáng 21/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm tỉnh Prahova, có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova.

Tại cuộc làm việc, đại diện Chính phủ Romania, lãnh đạo tỉnh Prahova, Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh cùng các doanh nghiệp đã giới thiệu về tiềm năng kinh tế của địa phương cũng như các cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Prahova là một trung tâm công nghiệp, dầu khí, du lịch và văn hóa quan trọng hàng đầu của Romania; nổi tiếng về vẻ đẹp tự nhiên, có bề dày lịch sử và nền văn hóa đa dạng. Prahova đã kết nghĩa với tỉnh Hòa Bình của Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Romania năm 2019 của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đặc biệt, Prahova là nơi có nhà máy lọc dầu đầu tiên của Romania, cùng trường Đại học Dầu khí Ploiesti có truyền thống hợp tác với Việt Nam, đóng góp quan trọng vào hợp tác dầu khí giữa hai nước. Giai đoạn từ 1955-1985, có khoảng 253 kỹ sư Việt Nam đã tốt nghiệp Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest và Đại học Dầu khí Ploiesti. Việc hợp tác đào tạo kỹ sư dầu khí giữa hai nước được khôi phục từ năm 2002 và tới năm 2015 đã có trên 70 kỹ sư dầu khí của Việt Nam tốt nghiệp Đại học Dầu khí Ploiesti.

Các đại biểu Romania nhận định Việt Nam phát triển “thần kỳ” với mức tăng trưởng nhanh trong nhiều năm, quy mô dân số đạt khoảng 100 triệu người, có nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và tận dụng tốt những cơ hội từ biến chuyển của tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu.

Phía Romania đánh giá Việt Nam sẽ là “con hổ” tiếp theo của châu Á; kêu gọi doanh nghiệp Romania và tỉnh Prahova nắm bắt cơ hội hợp tác, đầu tư với Việt Nam. Đổi lại, Romania cũng có thể là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu có tới 500 triệu dân.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự hỗ trợ, ủng hộ của Romania với Việt Nam; bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của tỉnh Prahova, đặc biệt trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Chuyển đổi Số, quản lý dịch vụ công và bảo đảm an sinh xã hội.

Nhất trí với các ý kiến về kết quả hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, Thủ tướng nhấn mạnh những thành tựu trong hợp tác đào tạo giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí, một ngành non trẻ nhưng có đóng góp quan trọng, tích cực vào sự phát triển của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới.

Hợp tác địa phương còn tiềm năng lớn và đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia. Dự kiến nhân chuyến thăm này, một số địa phương của hai nước sẽ ký bản ghi nhớ hợp tác.

Thủ tướng cho biết phía Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với Romania nói chung và tỉnh Prahova nói riêng, làm mới những động lực hợp tác cũ và thúc đẩy những động lực hợp tác mới, nhất là trong những lĩnh vực mới nổi, là xu thế lớn của thế giới và hai bên đều có mục tiêu phát triển như Kinh tế Số, Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Cho rằng hai nền kinh tế có nhiều thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, Thủ tướng lấy ví dụ Việt Nam diện tích khoảng 330.000km2, dân số khoảng 100 triệu dân, trong khi Romania có diện tích khoảng 237.000 km2 với khoảng 23 triệu dân nên hợp tác lao động hoàn toàn có thể là một động lực hợp tác mới. Mặt khác, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng các công trình lớn trong lĩnh vực dầu khí, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực...

Theo Thủ tướng, hai bên có cơ hội và mong muốn hợp tác lớn, phạm vi hợp tác rộng mở. Hội nghị WEF Davos 2024 có chủ đề "Tái thiết lòng tin" cho thấy lòng tin là yếu tố hết sức quan trọng, trong khi Việt Nam và Romania đã có sẵn lòng tin.

ttxvn-thu-tuong-gap-lanh-dao-tinh-prahova3-2803.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp lãnh đạo tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Prahova. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trở ngại lớn nhất cho hợp tác giữa hai bên là khoảng cách địa lý, nhưng khó khăn, thách thức này có thể được tháo gỡ, hóa giải thông qua đẩy mạnh Chuyển đổi Số, phát triển thương mại điện tử... và các cơ quan liên quan như phòng thương mại và công nghiệp, các bộ ngành tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp kết nối hợp tác, đầu tư.

Thủ tướng cho biết trong chuyến thăm lần này, ông sẽ hội đàm, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cao nhất của Romania, xác định những phương hướng, giải pháp thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian tới trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, địa phương tích cực hợp tác, đầu tư, chia sẻ, học hỏi để góp phần hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu của lãnh đạo hai nước. Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích trao đổi, liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai bên thông qua những dự án cụ thể./,

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục