Việt Nam-Pháp tăng cường hợp tác về thương mại, y tế và dược phẩm

Hoạt động của Hội AACVF đã góp phần triển khai cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa Việt Nam và Pháp; mở ra cơ hội để các doanh nghiệp hai nước có thể tìm hiểu và tiếp cận thị trường của nhau.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hệ thống Tiêm chủng VNVC ký Ý định thư về hợp tác sản xuất vắc xin với đối tác Sanofi của Pháp. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hệ thống Tiêm chủng VNVC ký Ý định thư về hợp tác sản xuất vắc xin với đối tác Sanofi của Pháp. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)

Từ ngày 6-10/10, Đoàn công tác Hội hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Pháp (AACVF) do Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự AACVF làm trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại Pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo về thương mại, đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực y tế, dược phẩm...

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, chuyến công tác của AACVF nhằm tiếp nối và hiện thực hóa các định hướng của lãnh đạo cấp cao hai nước trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, nhất là lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trong chương trình của đoàn công tác, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng đã cùng lãnh đạo của Hệ thống Tiêm chủng Việt Nam (VNVC) tới thăm nhà máy sản xuất vaccine của Tập đoàn Sanofi và đã có cuộc thảo luận về hợp tác sản xuất một số vaccine của Sanofi tại nhà máy của VNVC ở Việt Nam.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNVC cho biết: “Sắp tới VNVC sẽ xây dựng nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới theo tiêu chuẩn châu Âu (EU-GMP) tại tỉnh Long An.”

Với mục tiêu chủ động cung ứng một số loại vaccine và thuốc sinh học quan trọng cho thị trường Việt Nam, VNVC chú trọng hợp tác đầu tiên với Sanofi nhằm tiến tới tự sản xuất ở Việt Nam.

Kế hoạch này thực hiện đúng theo định hướng của Chiến lược Quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/01/2024.

Sự kiện này khẳng định năng lực mạnh mẽ của VNVC trong lĩnh vực phân phối, nhập khẩu, triển khai tiêm chủng vaccine an toàn, chất lượng cao tại Việt Nam, điều mà đối tác Sanofi đánh giá rất cao; đồng thời cho thấy vai trò tiên phong của VNVC trong đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế chuyên sâu về khoa học công nghệ và đầu tư lớn nhằm phát triển năng lực sản xuất vaccine hiện đại cho Việt Nam.

ttxvn_viet_nam_va_phap_tang_cuong_hop_tac_trong_linh_vuc_san_xuat_vaccine_09-1.jpg
Đoàn công tác Việt Nam do bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Pháp làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sanofi về hợp tác sản xuất vaccine. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến, chuyên gia về vaccine, cho biết lần thảo luận này thể hiện sự vươn lên của ngành khoa học và doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiến tới làm chủ công nghệ và kỹ thuật cao về nghiên cứu và sản xuất vaccine. Đồng thời, giúp Việt Nam có cơ hội làm chủ nguồn vaccine trong tương lai, đặc biệt là làm chủ công nghệ sản xuất vaccine, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng đánh giá cao hợp tác của VNVC và Sanofi là sự tiếp nối chủ trương nâng tầm hợp tác của Việt Nam và Pháp, cụ thể trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là hợp tác sản xuất vaccine giữa hai doanh nghiệp lớn của hai nước.

Ông cho biết đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế là xu hướng tất yếu hiện nay và hy vọng các đơn vị tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 8/10, đoàn công tác AACVF và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) cùng đại diện FPT Software tại Pháp đã đồng tổ chức buổi Tọa đàm: “Khởi nghiệp Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Pháp” nhằm nắm bắt tình hình khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên qua các mô hình khởi nghiệp tại Pháp đặc biệt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Buổi tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thảo luận về các nội dung được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Nhiều kinh nghiệm về khởi nghiệp đã được chia sẻ và được đánh giá là rất hữu ích cho các bạn trẻ có điều kiện để học tập. Đồng thời, các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng đặt ra các vấn đề về sự khó khăn, rủi ro có thể gặp phải trong quá trình khởi nghiệp cũng như các định hướng để có thể vượt tránh.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Giáo sư Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Việt-Pháp thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch AACVF cho biết đoàn công tác AACVF tới Pháp theo chủ trương tăng cường ngoại giao nhân dân, tham gia nhiều các hoạt động trong đó có việc gặp gỡ các hội đoàn tại Pháp.

Pháp là một nước có quan hệ truyền thống lâu đời với Việt Nam với 50 năm quan hệ đối tác chiến lược. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc phát triển quan hệ Việt Nam và Pháp.

Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có những bước phát triển tốt đẹp và có nhiều điều kiện thuận lợi, hoạt động của Hội AACVF đã góp phần triển khai cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa hai nước, đồng thời mở ra cơ hội để các doanh nghiệp hai nước có thể tìm hiểu và tiếp cận thị trường của nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục