Việt Nam nỗ lực xây dựng và cải cách hệ thống tư pháp hình sự

Tham dự khóa họp Ủy ban Liên hợp quốc về ngăn ngừa tội phạm và tư pháp hình sự, Trưởng đoàn Việt Nam đã chia sẻ những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng và cải cách hệ thống tư pháp hình sự.
Việt Nam nỗ lực xây dựng và cải cách hệ thống tư pháp hình sự ảnh 1Trưởng đoàn Việt Nam, bà Lê Đức Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, đã chia sẻ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và cải cách hệ thống tư pháp hình sự. (Nguồn: Vietnam+)

Từ ngày 20 đến ngày 24/5, tại Vienna, Áo, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã tham dự khóa họp lần thứ 28, Ủy ban Liên hợp quốc về ngăn ngừa tội phạm và tư pháp hình sự (CCPCJ).

Chủ đề của khóa họp năm nay tập trung vào trách nhiệm của các hệ thống tư pháp hình sự hiệu quả, công bằng, nhân văn và minh bạch trong phòng chống tội phạm do phân biệt hoặc thiếu khoan dung.

Kỳ họp có sự tham gia của hơn 150 đoàn đại biểu các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, hơn 100 đại diện các tổ chức khu vực và quốc tế, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ và các bên liên quan trong khu vực tư.

[Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực bảo vệ quyền dân sự, chính trị]

Phát biểu tại phiên khai mạc, Trưởng đoàn Việt Nam, bà Lê Đức Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, đã chia sẻ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và cải cách hệ thống tư pháp hình sự, hướng đến thực thi mục tiêu phát triển bền vững số 16.

Đoàn đã tham gia tích cực thảo luận và phát biểu về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và UNODC trong lĩnh vực tư pháp hình sự, khung pháp lý của Việt Nam điều chỉnh vấn đề tội phạm do phân biệt và những khó khăn, thách thức trong việc phòng ngừa loại hình tội phạm này.

Đoàn cũng nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các quy định và tiêu chuẩn của Liên hợp quốc trong ngăn ngừa tội phạm và tư pháp hình sự, đề cao vai trò của hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia thành viên, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong lĩnh vực này.

Kết thúc kỳ họp, Ủy ban đã thông qua 11 nghị quyết, tập trung vào các vấn đề phòng chống tội phạm mạng, lạm dụng trẻ em, buôn lậu, buôn bán động thực vật hoang dã...

CCPCJ là cơ quan xây dựng chính sách của Liên hợp quốc trong lĩnh vực ngăn ngừa tội phạm và tư pháp hình sự, thúc đẩy các biện pháp quốc tế trong phòng chống tội phạm quốc gia và xuyên quốc gia, tăng cường tính hiệu quả và công bằng của hệ thống tư pháp và hành chính hình sự.

CCPCJ đồng thời là diễn đàn để các quốc gia thành viên chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và thực tiễn nhằm xây dựng và phát triển chiến lược quốc gia và quốc tế, xác định các ưu tiên trong phòng ngừa tội phạm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục