Ngày 6/12, tại Hà Nội, Cơ quan đầu mối Quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị định số 81/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Nghị định 81) giai đoạn 2019-2023.
Dự Hội nghị có Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan đầu mối Quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cùng đại diện các cơ quan, đơn vị thành viên Cơ quan đầu mối Quốc gia.
Vũ khí hủy diệt hàng loạt (weapon of mass destruction, viết tắt: WMD) là những loại vũ khí có khả năng gây sát thương cao trên diện rộng và gây tổn thất lớn về sinh lực, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, môi trường sinh thái, tác động mạnh đến tâm lý, tinh thần của con người, bao gồm vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và các vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Việt Nam khẳng định xóa bỏ vũ khí hạt nhân là lợi ích chung của toàn nhân loại
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh cần tăng cường củng cố lòng tin chiến lược, trong đó điều cốt lõi là thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81, tạo hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn hoạt động phổ biến, tài trợ phổ biến, các hành vi trái pháp luật khác về vũ khí hủy diệt hàng loạt và ứng phó, khắc phục hậu quả do chúng gây ra; tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Thông tin về kết quả thực hiện Nghị định 81 giai đoạn 2019-2023, Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, Trưởng Cơ quan Thường trực của Cơ quan đầu mối Quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Cơ quan Thường trực 81), cho biết Cơ quan đầu mối Quốc gia về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị đầu mối triển khai thực hiện các quy định pháp luật theo Nghị định số 81.
Nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhân dân về vũ khí hủy diệt hàng loạt và hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Bên cạnh đó, việc tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các văn bản liên quan được chú trọng, từ đó tăng cường công tác giám sát tuân thủ việc thực hiện nghĩa vụ về chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho công tác này.
Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam đã chỉ đạo Cơ quan Thường trực 81 phối hợp với các cơ quan của các bộ, ngành, địa phương tổ chức tập huấn, huấn luyện cho các lực lượng tuyến đầu, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong giám sát, nhận diện, đấu tranh, xử lý, ứng phó với vũ khí hủy diệt hàng loạt và thực hiện hoạt động phòng, chống phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt...
Ngoài ra, các bộ, ngành, đơn vị phát huy hiệu quả hợp tác với các đối tác Quốc tế trong trong lĩnh vực kiểm soát xuất khẩu, kiểm soát biên giới, phòng, chống khủng bố, ứng phó sự cố liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân (CBRN).
Ghi nhận những nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương, Thượng tướng Võ Minh Lương giao cho Cơ quan Thường trực 81 phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể, xác định công tác kế hoạch, chương trình về thực hiện Nghị định 81 và phòng, chống rửa tiền quốc gia.
Đồng thời, Cơ quan Thường trực 81 chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo sớm khắc phục các điểm bất cập liên quan đến quy định pháp luật, chế độ chính sách... trong phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính; Cục An ninh nội địa của Bộ Công an; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục Hóa chất và Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương; Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế; Cục Phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực 81 triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo định hướng chung của quốc gia, tham mưu cho bộ, ngành mình thực hiện hiệu quả các trách nhiệm được quy định trong Nghị định 81./.