Việt Nam đang hết sức nỗ lực mở rộng không gian hợp tác, huy động các nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt tại những khu vực khó khăn về kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, do Bộ Y tế, Ngân hàng Thế giới và các đối tác cùng phối hợp tổ chức ngày 6/12, tại Hà Nội.
Minh chứng cho nỗ lực hợp tác quốc tế
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới cùng vốn viện trợ không hoàn lại của một số tổ chức quốc tế là minh chứng cho nỗ lực hợp tác quốc tế cùng hướng tới tầm nhìn và mục tiêu chung, đó là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, vốn được xem là lựa chọn tối ưu giúp Việt Nam hiện thực hóa Mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân và các Mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc ngay từ cấp cơ sở để ngành y tế không đơn độc
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh việc quyết liệt tháo gỡ vướng mắc ngay từ cấp cơ sở để ngành y tế không đơn độc trong thực hiện sứ mệnh quan trọng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Dự án được ký kết và có hiệu lực từ tháng 5/2020 và kết thúc vào 31/12/2024. Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện triển khai dự án, đến nay với nỗ lực chung của Bộ Y tế, các Bộ ngành liên quan, các tỉnh dự án cùng cộng đồng nhà tài trợ, dự án đã được thực hiện thành công, trên một số khía cạnh ngoài sự mong đợi.
Kết quả đánh giá dự án cho thấy dự án đã đạt được toàn bộ các mục tiêu phát triển trong khung thời gian đã cam kết, nhiều kết quả đạt được vượt mức kỳ vọng. Dự án cũng linh hoạt phát triển thêm một số hoạt động can thiệp mới, có tính sáng tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Đến nay, Dự án có tổng số 464 trạm y tế tuyến xã và 14 trung tâm y tế tuyến huyện được nâng cấp, xây mới; 1.703 trạm y tế được cung cấp thiết bị y tế theo nhu cầu đạt tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ chất lượng; 97% số cán bộ y tế tại tuyến xã được đào tạo và nâng cao chuyên mô
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ những kết quả đạt được này càng ấn tượng hơn, xét trong bối cảnh có nhiều thách thức tưởng như không vượt qua nổi trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là tác động rất nghiêm trọng, vượt ngoài mọi dự báo của đại dịch COVID-19.
Các can thiệp dự án đã và sẽ mang lại những lợi ích rất quan trọng cho cộng đồng dân cư cũng như hệ thống y tế tại 13 tỉnh dự án như: cải thiện sự tiếp cận của người dân, đặc biệt các nhóm dân cư dễ bị tổn thương tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, có chất lượng với chi phí thấp qua đó góp phần cải thiện thực trạng sức khỏe người dân; Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của Mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh dự án.
"Để đạt được kết quả này, Bộ Y tế ghi nhận những đóng góp rất lớn từ nhiều bên liên quan, đó là các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, không chỉ đóng vai trò là bên cung cấp vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ không hoàn lại mà còn rất tích cực và hiệu quả trong vai trò hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ quản trị và mở rộng không gian kết nối," Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đổi mới mạng lưới y tế cơ sở đạt hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, bà Caryn Bredenkamp - Giám đốc Chương trình y tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới đã chúc mừng Bộ Y tế vì nỗ lực đã đạt được khi triển khai dự án đã mang lại nhiều hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế cơ sở cho người dân vùng sâu, vùng xa trong công tác chăm sóc sức khỏe.
Với sự hỗ trợ của dự án đã có 76% trạm y tế xã đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu ban đầu là 67% đạt chuẩn. Thông qua việc xây dựng mới 129 trạm y tế, cai tạo hơn 300 trạm, gần như 1.600 trạm y tế được cấp trang thiết bị mới, gần 800.000 người dân được sàng lọc, khám, theo dõi bệnh không lây nhiễm tại cơ sở; hơn 11.000 nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn...
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương cho biết, Dự án được xem là khác biệt hoàn toàn với những dự án sử dụng vốn ODA trước đây của ngành y tế. Bởi thay vì cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước, các tỉnh tham gia dự án áp dụng cơ chế vay lại. Các tỉnh là chủ đầu tư dự án thành phần trên địa bàn, thực hiện toàn bộ các hoạt động đầu tư lớn của dự án. Bước vào quá trình triển khai thực hiện, Dự án tiếp tục đối mặt với những thách thức, đó là các tỉnh lúng túng khi áp dụng và một thách thức nghiêm trọng không lường trước được là sự bùng phát của đại dịch COVID-19, khiến hoạt động Dự án gần như ngừng trệ gần 2 năm.
Với nỗ lực cao nhất, đến nay, Dự án đã được Bộ Y tế và 13 tỉnh triển khai thực hiện thành công. Tỷ lệ giải ngân của Dự án đạt mức cao (khoảng 90% tổng vốn toàn dự án, kinh phí kết dư vốn vay ít, chủ yếu do nguyên nhân biến động tỷ giá).
Ngân hàng Thế giới đánh giá, đây là dự án thực hiện tốt nhất trong số các dự án vay vốn Ngân hàng thế giới trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, bất chấp bối cảnh thực hiện Dự án đầy thách thức.
Theo Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng, với việc đầu tư toàn diện (cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kiến thức và kỹ năng của cán bộ y tế…) đã giúp nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của mạng lưới y tế cơ sở. Thêm vào đó, các địa phương tham gia dự án cũng đã nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế, nhất là tính tự chủ, khả năng điều phối và thực hiện đồng bộ các can thiệp cốt lõi nhằm đổi mới mạng lưới y tế cơ sở./.
Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” được triển khai ở 13 tỉnh khó khăn gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Ninh Thuận, Hậu Giang, Bạc Liêu và Long An.
Dự án với ba hợp phần chính: Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho mạng lưới y tế cơ sở; nâng cao năng lực của trạm y tế xã trong quản lý các vấn đề sức khoẻ ưu tiên; hỗ trợ xây dựng chính sách, thí điểm các sáng kiến, quản lý và điều phối dự án.