Việt Nam nỗ lực đóng góp cho hoạt động của Hội đồng Nhân quyền

Việt Nam đưa ra các sáng kiến cụ thể, nhất là “biến đổi khí hậu và quyền lương thực,” các vấn đề về bình đẳng giới, và tinh thần đề cao đối thoại và hợp tác của Việt Nam đã được các nước quan tâm.
Việt Nam nỗ lực đóng góp cho hoạt động của Hội đồng Nhân quyền ảnh 1Toàn cảnh lễ khai mạc Khóa họp lần thứ 50 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 13/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân Khóa họp lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đang diễn ra tại Geneva, phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có cuộc trao đổi với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt.

Với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 50 Hội nghị Nhân quyền Liên hợp quốc, Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết sự kiện này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi cả thế giới đang mở cửa trở lại và phục hồi sau những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, những tác động của dịch bệnh vẫn còn rõ nét, thể hiện qua những khó khăn về kinh tế-xã hội tác động sâu sắc đến sự thụ hưởng quyền con người của người dân ở khắp nơi trên thế giới.

Chính vì vậy, khóa họp lần này có ý nghĩa quan trọng khi các nước có thể cùng nhau trao đổi thảo luận, cùng đề xuất các giải pháp đối với nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề phục hồi sau đại dịch để bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong quá trình đó.

[Việt Nam đóng góp hiệu quả cho hoạt động của Hội đồng Nhân quyền]

Quyền phụ nữ cũng được ưu tiên tại khóa họp lần này với nhiều phiên thảo luận chuyên đề về bình đẳng giới, gắn với việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi sau đại dịch.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tham gia với các sáng kiến cụ thể, nhất là “biến đổi khí hậu và quyền lương thực,” các vấn đề về bình đẳng giới, và tinh thần đề cao đối thoại và hợp tác của Việt Nam đã được các nước quan tâm tích cực.

Đoàn Việt Nam đã chủ động chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình ứng phó với đại dịch và hiện nay đang phục hồi sau đại dịch để có thể bảo đảm tốt nhất an sinh xã hội, quyền của người dân về y tế, kinh tế, xã hội và giáo dục. Việt Nam cũng chia sẻ những trải nghiệm trong quá trình chuyển đổi, ứng phó ngày càng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đề cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong công việc chăm sóc gia đình thầm lặng và sẽ tiếp tục ưu tiên các cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, và sẵn sàng hợp tác với các nước trong nỗ lực chung, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Liên quan đến Triển lãm ảnh về dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam với chủ đề hòa hợp trong đa dạng được tổ chức nhân dịp Khóa họp lần thứ 50 Hội nghị Nhân quyền Liên hợp quốc, Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt đã chia sẻ về nội dung và ý nghĩa của cuộc triển lãm lần này.

Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh: “Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam: Hòa hợp trong đa dạng” giới thiệu đến bạn bè quốc tế những hình ảnh về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.

Tại triển lãm, người xem có thể thấy những phong cảnh của đất nước, những di sản văn hóa đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam tại những vùng đất họ cùng sinh sống, phát triển.

Những bức ảnh thể hiện cuộc sống hòa hợp, những nét đẹp văn hóa, di sản, những tập tục của tất cả các cộng đồng dân tộc Việt Nam cũng như thể hiện sự tự do về tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Việt Nam.

Qua triển lãm, Việt Nam đã giới thiệu hình ảnh đất nước hết sức đa dạng về dân tộc, văn hóa và tôn giáo cho bạn bè quốc tế, đặc biệt là cộng đồng ngoại giao đa phương tại Geneva - một trung tâm lớn nơi tập trung các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc về quyền con người, nhân đạo và những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân trên thế giới.

Từ đó, các nước, các đối tác của chúng ta có được hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước Việt Nam. Đặc biệt, thông điệp của triển lãm thể hiện sự hòa hợp trong đa dạng, có sự tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, bảo đảm công bằng, bảo đảm quyền cho tất cả mọi người dân.

Tuy hết sức đa dạng nhưng tất cả các dân tộc Việt Nam, những người theo tôn giáo tín ngưỡng hoặc không theo tôn giáo tín ngưỡng đều chung sống hòa hợp, đều đã cùng nhau vượt qua những thách thức trong lịch sử và đang cùng nhau hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại, triển lãm kỳ vọng hình ảnh của đất nước Việt Nam sẽ đến được với bạn bè quốc tế để thu hút thêm sự quan tâm, để các bạn đến thăm Việt Nam, trải nghiệm những đặc sắc của đất nước chúng ta.

Trước đây, các nét đẹp, di sản ở Việt Nam vốn đã rất được quan tâm, ngưỡng mộ, nay triển lãm là một cơ hội để nhắc lại về những nét đẹp, di sản đó, đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng chào đón bạn bè và khách du lịch quốc tế trở lại.

Việt Nam nỗ lực đóng góp cho hoạt động của Hội đồng Nhân quyền ảnh 2Đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu tại Khóa họp lần thứ 50 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Theo Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt, hiện nay Việt Nam đang ứng cử làm thành viên Hội nghị Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Các hoạt động của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Nhân quyền lần này cũng góp phần vận động các nước ủng hộ ứng cử đó của Việt Nam.

Những phát biểu, những thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị Nhân quyền tập trung vào tăng cường sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, để tăng cường đối thoại và hợp tác cũng như những nỗ lực để bảo đảm các quyền con người cho tất cả mọi người.

Đây cũng chính là thông điệp của Việt Nam trong quá trình ứng cử và cao hơn, còn là phương châm, chủ trương xuyên suốt của Việt Nam khi tham gia vào các hoạt động tại các diễn đàn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực quyền con người.

Những phát biểu của Việt Nam tại Hội nghị Nhân quyền hay tại triển lãm đều thể hiện và làm rõ thông điệp này.

Triển lãm còn cho thấy một cách rất sinh động những cam kết của Việt Nam cũng như những thành tựu nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ngày một tốt hơn.

Đây chính là việc thể hiện rõ nét và sinh động về các cam kết của Việt Nam cũng như về khả năng Việt Nam có thể đóng góp nếu được bầu làm thành viên Hội nghị Nhân quyền trong thời gian tới.

Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng cho biết trong thời gian tham gia Khóa họp lần thứ 50 của Hội nghị Nhân quyền Liên hợp quốc, đoàn Việt Nam đã gặp Chủ tịch Hội nghị Nhân quyền, Phó Chủ tịch Hội nghị Nhân quyền, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, cũng như gặp gỡ với nhiều Đại sứ, đại diện các nước tại Liên hợp quốc ở Geneva.

Qua trao đổi, các nước, các tổ chức quốc tế đều đánh giá rất cao thành tựu Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua và đặc biệt là những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra để bảo đảm quyền con người tốt hơn.

Đại diện các nước, các tổ chức quốc tế khi đến tham dự “Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam: Hòa hợp trong đa dạng” đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, những chia sẻ, ghi nhận về sự hòa hợp của 54 dân tộc và các cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng trong đại gia đình Việt Nam.

Họ cũng cho rằng đó là một trong những lý do hàng đầu giúp Việt Nam có được những thành quả về sự phát triển kinh tế-xã hội hiện nay và tất nhiên họ cũng rất kỳ vọng Việt Nam khi được bầu làm thành viên Hội nghị Nhân quyền sẽ có tiếng nói, có đóng góp xây dựng, thể hiện trách nhiệm để cùng đóng góp chung vào hoạt động của Hội nghị Nhân quyền cũng như những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục