Việt Nam nhập khẩu gỗ thông có chứng nhận bảo vệ rừng từ New Zealand

Việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ chất lượng, bền vững sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn thứ hai trên toàn cầu trong 7-8 năm tới.

Việt Nam đặt mục sẽ trở thành nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn thứ hai trên toàn cầu trong 7-8 năm tới. Vì vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ chất lượng, bền vững sẽ đáp ứng nhu cầu về nhập khẩu đồ nội thất trên thế giới.

Đây là nhận định của ông Grant Robertson, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính New Zealand kiêm Bộ Trưởng Bộ Thể Thao và Giải Trí New Zealand, tại Lễ ký bản Thỏa thuận phân phối gỗ thông Radiata giữa Công ty Sequal Holdings Ltd, của New Zealand và Công ty Cổ phần VinaFor Sài Gòn, ngày 30/10.

[Giám sát việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên]

Theo ông Grant Robertson, gỗ thông Radiata của New Zealand được trồng và khai thác theo phương thức bền vững, đạt chứng nhận bảo vệ rừng FSC (Forest Sustainability Council). Do vậy, thỏa thuận hợp tác này sẽ giúp việc kết hợp giữa nguyên liệu gỗ thông Radiata trồng tại New Zealand cùng chuyên môn và công nghệ của Việt Nam để tạo ra những sản phẩm nội thất mang tính bền vững, khỏe và chất lượng cao.

Trước đó, Vinafor Saigon đã nhập gỗ thông Radiata từ New Zealand từ năm 2001 với nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững cho các nhà sản xuất nội thất Việt Nam.

Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng Giám đốc công ty Vinafor Saigon kỳ vọng "từ thỏa thuận hợp tác này, chúng tôi mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp gỗ để nâng cao nhận thức về nguồn gỗ hợp pháp cũng như nắm bắt cơ hội từ hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP”

Được biết, trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ thông nguyên liệu từ New Zealand sang Việt Nam đạt 80 triệu đôla New Zealand (xấp xỉ 1.180 tỷ đồng), góp phần giúp Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á về xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản./.

Theo Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt trên 7 tỷ USD.

Hiện, cả nước có khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 95%, khoảng 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng.

Về thị phần, trong năm 2018, kim ngạch xuât khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ đạt 3,98 tỷ USD, tăng 20% và chiếm 42,5% tổng kim ngạch, Nhật Bản là 1,21 tỷ USD và tăng 12,7%, Trung Quốc là 1,09 tỷ USD, giảm 0,36% so với năm 2017; Hàn Quốc 0,96 tỷ USD, tăng 41,5% so với năm 2017; EU 0,9 tỷ USD, tăng 5,28% so với năm 2017.

Trên thế giới, chủ nghĩa bảo hộ quốc tế có xu hướng gia tăng, hệ thống rào cản kỹ thuật của nhiều quốc gia trở đang thành thách thức đối với sự phát triển và hoạt động xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam. Do đó, nguyên liệu gỗ đầu vào sản xuất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ giúp đồ gỗ thành phẩm của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng các biện pháp phòng vệ thương mại từ bên ngoài.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục