Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công tư để giảm nghèo

Việt Nam đã đạt Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn, chỉ số phát triển con người được cải thiện đáng kể và cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
(Ảnh minh họa: Quang Đán/TTXVN)

Từ ngày 1-10/2, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York diễn ra khóa họp lần thứ 55 của Ủy ban Phát triển xã hội (CsocD) thuộc Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).

Bên cạnh các phiên thảo luận chung, có 3 phiên thảo luận cấp cao về lồng ghép các chính sách giảm nghèo và hướng ưu tiên đến các nhóm đối tượng đặc thù như giới trẻ và người khuyết tật.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, khóa họp diễn ra trong bối cảnh tình trạng nghèo đói tiếp tục là thách thức lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt.

Đây là vấn đề nhức nhối không chỉ ở các nước nghèo, chậm phát triển, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, xung đột, thiên tai, khủng hoảng kinh tế, mà còn ở nhiều nền kinh tế phát triển.

Theo báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc, hiện có khoảng 767 triệu người, chiếm 10,7% dân số thế giới sống với mức thu nhập dưới ngưỡng nghèo 1,9 USD/ngày, trong đó hơn 300 triệu người sống ở các nước phát triển.

Ngay ở Mỹ, tỷ lệ người nghèo cũng chiếm tới 14,5% dân số. Chính vì vậy, với chủ đề "Chiến lược giảm nghèo nhằm thực hiện phát triển bền vững cho tất cả mọi người," Khóa họp CsocD lần thứ 55 đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, trong đó nhiều nước tham dự ở cấp cao như phó rổng thống (Costa Rica), bộ trưởng (Áo, Brazil, Mông Cổ, Nigeria), thứ trưởng (Nga, Paraguay, Bồ Đào Nha, Turmenistan...), đại diện các tổ chức, cơ quan chuyên môn, chương trình phát triển thuộc hệ thống Liên hợp quốc cùng đông đảo các tổ chức phi chính phủ có uy tín.

Tại khóa họp, các nước đều thống nhất cao về cách tiếp cận mang tính toàn diện, đa chiều trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược giảm nghèo, nhấn mạnh việc huy động tối đa nguồn lực của toàn xã hội cũng như điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia.

Bên cạnh đó, các nước cũng giới thiệu những kinh nghiệm thực tiễn, những chính sách giảm nghèo đang được triển khai hiệu quả và cách tiếp cận hướng đến những nhóm đối tượng đặc thù như phụ nữ, giới trẻ, người khuyết tật, người nghèo sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn...

Thay mặt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc đã chia sẻ thông tin về các chính sách và nỗ lực của ASEAN trong việc giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, đồng thời nhấn mạnh mọi chiến lược giảm nghèo cần được xây dựng dựa trên nhu cầu, ưu tiên và hoàn cảnh cụ thể của từng nước và từng khu vực.

ASEAN kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và thực hiện các cam kết về hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các chiến lược giảm nghèo hiệu quả.

Trong phát biểu với tư cách đại diện quốc gia, Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định Chính phủ Việt Nam hết sức chú trọng giảm nghèo toàn diện và bền vững.

Việt Nam đã đạt Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn, chỉ số phát triển con người được cải thiện đáng kể và cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp và khu vực nông thôn, xây dựng và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và tăng khả năng tiếp cận với giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, việc làm và các dịch vụ an sinh xã hội, trong đó dành ưu tiên cho các đối tượng người nghèo là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người lao động di cư...

Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công tư và hợp tác quốc tế trong huy động nguồn lực để xoá đói nghèo, kêu gọi các đối tác tiếp tục hợp tác giúp Việt Nam củng cố thành quả đã đạt được và nâng cao khả năng chống chịu được các cú sốc về kinh tế, thiên tai, biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục