Việt Nam nguy cơ rơi vào tình trạng chưa giàu đã già và nhiều nợ nần

Tỷ lệ nợ công Việt Nam đang tăng nhanh, mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam nguy cơ rơi vào tình trạng chưa giàu đã già và nhiều nợ nần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thông thường, các nước lúc “trẻ” sẽ vay nợ ít, dần dần mới tăng lên nhưng với Việt Nam, xu hướng lại ngược lại, tức là “chúng ta còn trẻ đã ăn chơi, nợ nần nhiều.”

Đó chỉ là một trong hàng loạt rủi ro về nợ công tại Việt Nam được tiến sỹ Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính nói lên tại hội nghị: Quản lý nợ công ở Việt Nam - Thực trạng và các khuyến nghị chính sách tổ chức sáng 18/10 tại Hà Nội.

Nợ công tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng

Phân tích kỹ hơn, ông Cường nêu lại thống kê trước đó của các cơ quan quản lý cho thấy, nợ công Việt Nam năm 2016 ước khoảng 64,7% GDP, sát với ngưỡng trần 65% GDP mà Quốc hội đặt ra.

[Cảnh báo nợ công Việt Nam dễ lung lay ngay cả với những cú sốc nhẹ]

“Tỷ lệ nợ công Việt Nam trên GDP cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực,” ông Cường nói. Ông cũng lấy ví dụ về Indonesia với tỷ lệ nợ công trên GDP khoảng 24,4%, Thái Lan là 45,9%, Philippines ở mức 50,2% và Lào khoảng 46,3%.

Hơn thế, điều làm ông lo lắng là tỷ lệ nợ công Việt Nam đang tăng nhanh, mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ông đưa ra tính toán, quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm 2015 đã tăng 6,5 lần so với năm 2001. Trong số này, nợ nước ngoài tập trung vào 3 nhà tài trợ chính là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Nhật Bản. Với từng nhà tài trợ, so sánh dư nợ của năm 2015 so với năm 2001 cũng cho thấy, số nợ đang tăng nhanh.

Nếu như năm 2001, Việt Nam vay Ngân hàng Thế giới khoảng 23.900 tỷ đồng thì tới năm 2015 đã là hơn 274.000 tỷ đồng, tức là gấp khoảng 11,5 lần. Tương tự, với Ngân hàng Phát triển châu Á, nợ của Chính phủ với nhà tài trợ này đã tăng hơn 20 lần trong quãng thời gian trên (từ 7.500 tỷ đồng lên hơn 151.000 tỷ đồng).

Từ đó, vị chuyên gia này đặt ra rủi ro về áp lực nợ công Việt Nam. Theo ông, nhiều nước ở giai đoạn phát triển như Việt Nam hiện tại thường vay chưa nhiều vì “họ để dành khoản đó, khi đủ phát triển rồi, nhu cầu tăng lên thì mới vay.” Còn với Việt Nam, ông cho rằng, trong điều kiện hiện vẫn chỉ là nước thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh và năng lao động bình quân còn thấp thì nợ công đã ở mức cao.

Trong khi ấy, theo ông, vay nợ của Việt Nam chắc chắn còn tăng nữa khi mà dân số già đi, gánh nặng các quỹ sẽ đè nặng, khả năng tạo thu nhập mới giảm đi.

“Các nước khác thường lúc trẻ họ vay ít, dần dần vay nhiều lên, còn chúng ta có nguy cơ chưa giàu thì đã sớm già lại nợ nần nhiều," vị chuyên gia của Học viện Tài chính ví von.

Đi vay về rồi… để trong kho

Nêu lên một loạt rủi ro về nợ công nhưng tiến sỹ Vũ Sỹ Cường lại không bày tỏ quan điểm rõ ràng trước câu hỏi, liệu nợ công của Việt Nam có an toàn hay không.

Theo ông, hiện tại chưa có chỉ tiêu nào để đánh giá mức độ rủi ro của nợ công, hay mức trần 65% GDP với Việt Nam dựa trên cơ sở nào.

Thế nhưng, ông Cường cũng nói thêm, nợ công của Việt Nam tính theo GDP thì có thể chưa cao nhưng theo thu ngân sách thì đã là cao. Ông dẫn xếp hạng của Ngân hàng Thế giới cho thấy, giá trị nợ công Việt Nam năm 2015 đã lên tới 206% thu ngân sách Nhà nước. Nếu so với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, ông cho rằng, Việt Nam đã thuộc nhóm nước có “chính sách trung bình” thay vì nhóm “chính sách tốt” như trước đó.

Vấn đề khác được ông Cường cảnh báo là bội chi ngân sách thậm chí còn lớn hơn chi đầu tư phát triển. Điều này theo ông nghĩa là “ta đi vay về để chi thường xuyên.” Đây là vấn đề được ông nhấn mạnh là cực kỳ rủi ro, mặc dù tỷ lệ này có thể chưa cao nhưng ông nhắc lại, đây là việc vi phạm quy tắc cân đối.

Cũng chính tiến sỹ Vũ Sỹ Cường nêu lên vấn đề khác là, cơ quan chức năng vay tiền về nhưng phân bổ không kịp. Điều này theo ông chẳng khác gì, mang tiền về để trong kho.

“Vấn đề này cần rõ ràng hơn trong quản lý, nếu không tự nhiên làm tăng nợ công. Ta mang tiền về không tiêu được trong khi nợ vay về, chậm 1 ngày không tạo ra tài sản mới là nợ công tăng lên thôi,” vị chuyên gia này lên tiếng.

Góp ý thêm, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp tổ chức Oxfam cho rằng, công tác quản lý nợ công cần tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Theo bà, Quỹ tiền tệ quốc tế đã có hướng dẫn rất cụ thể về chế độ báo cáo, thông tin, từng chủ nợ, công cụ nợ, đồng tiền nợ, kỳ hạn. Bởi vậy, với Việt Nam, bà cũng nhìn nhận, cơ quan chức năng cần đưa những quy định cụ thể như vậy trong chế độ báo cáo, công bố thông tin.

Cũng về công khai thông tin, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề xuất, cần có quy định về tần suất thực hiện giám sát nợ công. Ngoài ra, quy định cũng cần đề cập cụ thể báo cáo của cơ quan giám sát, xử lý sau giám sát ra sao. Đây là vấn đề được ông Nghĩa bày tỏ là hết sức quan trọng bởi “không phải giám sát xong rồi để đấy.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục