Trang Forbes (Mỹ) ngày 23/2 đã có bài viết “Vị thế về AI của Việt Nam đang thăng hoa,” trong đó dẫn các nguồn nghiên cứu cho thấy vị trí dẫn đầu của Việt Nam trong lĩnh vực AI và sự phát triển mạnh mẽ về AI của đất nước này.
Forbes dẫn nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho hay doanh thu của ngành công nghệ thông tin-truyền thông năm 2021 là 136,153 triệu USD, tăng mạnh so với mức 124,678 triệu USD năm 2020.
Các cơ quan chức năng cũng ước tính tỷ trọng giá trị của Việt Nam trong doanh thu công nghệ thông tin-truyền thông đạt 24,65%, tăng đáng kể so với những năm trước.
Việt Nam hiện có trên 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin-truyền thông mang thương hiệu Việt.
[Xu hướng của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong năm 2023]
Ước tính, Việt Nam có trên 1 triệu lao động công nghệ thông tin truyền thông và hơn 80.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng các chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 50 trường đại học, học viện giảng dạy các chuyên ngành liên quan đến AI.
Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế tại Canada và Oxford (Vương quốc Anh) xếp Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong ASEAN và thứ 62 trên thế giới về Chỉ số sẵn sàng cho Trí tuệ Nhân tạo AI của Chính phủ năm 2021.
Đây là lần đầu tiên Chỉ số sẵn sàng cho AI của Việt Nam đạt 51,82/100, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72 và giúp quốc gia Đông Nam Á tăng 14 bậc so với năm ngoái.
Mức độ sẵn sàng của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đối với công nghệ AI được đánh giá thông qua ba tiêu chí chính, gồm chính phủ, công nghệ và cơ sở hạ tầng dữ liệu.
Trong khi đó, hãng OpenGov Asia đưa tin Việt Nam xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN và thứ 55 trên toàn cầu về Chỉ số sẵn sàng AI năm 2022, tăng 7 bậc so với năm 2021. Chỉ số trung bình của Việt Nam là 53,96, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 44,61 điểm.
Chính phủ Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh vào AI và các công nghệ kỹ thuật số khác, chẳng hạn như học máy, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) và điện toán đám mây.
Mới đây, Việt Nam đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình này đang đặt nền tảng chiến lược vững chắc để Việt Nam trở thành quốc gia đổi mới mạnh mẽ về AI trong những năm tới.
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, Forbes cũng chỉ ra rằng thách thức hiện nay đối với Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cần thiết trong lĩnh vực AI. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), hiện có chưa đến 2.000 người Việt Nam đang học tập và làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến AI và chưa đến 300 người được coi là chuyên gia về AI.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 13.000 tỷ USD cho nền kinh tế hay 1,2% GDP toàn cầu. Với các chính sách lớn của chính phủ nhằm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) AI và phát triển các ứng dụng liên quan, Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện một số bước nhảy vọt trong lĩnh vực này.
Việt Nam có những kế hoạch đầy tham vọng để dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo và đất nước này hy vọng sẽ nằm trong số bốn quốc gia hàng đầu ở châu Á về tiến bộ trí tuệ nhân tạo.
Forbes cũng dẫn chứng công ty FPT Software như một ví dụ về việc Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược trên. FPT Software cũng đang đầu tư mạnh cho R&D AI, nhằm giúp Việt Nam lọt top 50 thế giới vào năm 2030 về nghiên cứu và phát triển AI cũng như ứng dụng phần mềm. FPT Software cũng là công ty đầu tiên ở Đông Nam Á tham gia mạng lưới đối tác Mila, phòng thí nghiệm học thuật lớn nhất thế giới chuyên về công nghệ học sâu./.