Việt Nam ngày càng hấp dẫn các doanh nhân Saudi Arabia tìm cơ hội hợp tác đầu tư

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng cho biết ngày càng có nhiều du khách Saudi Arabia mong muốn đến Việt Nam du lịch kết hợp tìm hiểu các cơ hội làm ăn tại đất nước hình chữ S.

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng. (Ảnh: TTXVN phát)
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng. (Ảnh: TTXVN phát)

Saudi Arabia là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Quan hệ hợp tác giữa hai nước đã chứng kiến những bước phát triển rất khởi sắc trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Đánh giá về các kết quả hợp tác nổi bật giữa hai nước trong năm 2024 và triển vọng trong năm 2025, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Phi và Trung Đông về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Thưa Đại sứ, Đại sứ đánh giá thế nào về kết quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong năm 2024?

Đại sứ Đặng Xuân Dũng: Năm 2024, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Saudi Arabia. Quan hệ hợp tác giữa hai nước thực sự đã có thêm bước tiến tích cực với những kết quả cụ thể.

Saudi Arabia hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là về kinh tế-thương mại, với kim ngạch thương mại song phương đạt trên 2,82 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại hơn 152 triệu USD.

Về đầu tư, vào cuối tháng 10/2024, tập đoàn FPT trở thành công ty Việt Nam đầu tiên khai trương văn phòng khu vực tại Riyadh, đặt nền móng cho việc mở rộng hoạt động của FPT tại thị trường tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo này.

Gần đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Aramco của Saudi Arabia, một trong những tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới, và hai bên đã nhanh chóng lên kế hoạch triển khai thỏa thuận này.

ky-thoa-thuan-hop-tac-giua-tap-doan-dau-khi-quoc-gia-viet-nam-va-tap-doan-dau-khi-saudi-arabia-resize.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Amin Al Nasser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Saudi Arabia chứng kiến ký kết thoả thuận hơp tác giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Saudi Arabia, tháng 10/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngoài ra, một số công ty xây dựng của Việt Nam đã trúng các hợp đồng thầu phụ tại các dự án xây dựng khổng lồ tại Saudi Arabia, và nhiều công ty khác đang tham gia các vòng đấu thầu trong các dự án khác.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến hoạt động kinh doanh tại Saudi Arabia trong những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và Saudi Arabia đang có nhu cầu.

- Với những kết quả nổi bật đạt được trong năm 2024, Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác trong năm 2025 giữa hai nước trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực hai bên có thế mạnh?

Đại sứ Đặng Xuân Dũng: Sau hai chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Saudi Arabia trong năm 2023 và 2024, đặc biệt là việc lãnh đạo hai nước thống nhất chủ trương nâng cấp quan hệ Việt Nam và Saudi Arabia trong thời gian tới, tôi cho rằng triển vọng hợp tác song phương trong năm 2025 và các năm tiếp theo là khá tươi sáng, với động lực mới và còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn, bao gồm các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, thương mại, đầu tư, lao động và du lịch.

Tôi muốn nhấn thêm rằng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng cần được khai thác mạnh hơn khi cả Saudi Arabia và Việt Nam đều đẩy mạnh triển khai các kế hoạch nhằm hiện đại hóa, đa dạng hóa nền kinh tế trong kỷ nguyên kinh tế số, chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi sự chủ động ngày càng tăng của cả hai bên, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trong năm 2025, hợp tác lao động cũng sẽ phát triển tốt khi số lượng lao động có tay nghề của Việt Nam sang làm việc tại Saudi Arabia theo hợp đồng có xu hướng tăng lên, hỗ trợ cho nhu cầu nhân lực để triển khai nhanh, mạnh các kế hoạch thuộc khuôn khổ "Tầm nhìn 2030" của Saudi Arabia.

ky-thoa-thuan-hop-tac-giua-tap-doan-dau-khi-quoc-gia-viet-nam-va-tap-doan-dau-khi-saudi-arabia2-resize.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Amin Al Nasser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Giao lưu nhân dân và du lịch dự kiến cũng sẽ có bước phát triển khích lệ khi ngày càng có nhiều du khách Saudi Arabia quan tâm đến việc du lịch kết hợp tìm hiểu cơ hội làm ăn tại Việt Nam.

Tuần vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia đã phối hợp với Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao tổ chức thành công Ngày văn hóa Việt Nam tại Saudi Arabia, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa và nhân dân giữa hai nước.

Tôi cho rằng kết quả của những hoạt động này sẽ dần được thể hiện qua số lượng khách du lịch sở tại đến Việt Nam thời gian tới.

- Xin Đại sứ cho biết chủ trương cũng như đường hướng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong những năm tới. Đâu là những cơ chế hợp tác cụ thể cần được thúc đẩy để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước, thưa Đại sứ?

Đại sứ Đặng Xuân Dũng: Như tôi đã đề cập ở trên, trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam tới Saudi Arabia vào cuối tháng 10/2024, lãnh đạo hai nước đã nhất trí về việc sớm nâng cấp quan hệ.

Khi chủ trương này được triển khai thì cơ chế Ủy ban hỗn hợp (UBHH) song phương hiện nay cũng sẽ được nâng cấp, tạo tiền đề quan trọng để tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong những năm tới.

che-bien-ca-ngu-dai-duong-resize.jpg
Sơ chế sản phẩm cá ngừ xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải, Phú Yên, quản lý chất lượng theo HALAL, MSC, BRCGS, IFS, ISO 22.000:2018. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Riêng về hợp tác kinh tế-thương mại, với cơ chế UBHH song phương do Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia đồng chủ trì, tôi cho rằng hai nước sẽ sớm có những biện pháp cụ thể phù hợp để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng mình có thế mạnh và đối tác có nhu cầu như dầu khí, sản phẩm hóa dầu, nông sản, thủy sản, điện thoại, máy móc linh kiện...

Ngoài ra, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp hai nước quan tâm đến thị trường của nhau nhờ kết quả của các hoạt động ngoại giao kinh tế mà Đại sứ quán đã triển khai trước đó, cũng như khi triển khai chủ trương phát triển ngành Halal của Việt Nam, doanh nghiệp hai bên sẽ có thông tin đầy đủ hơn về cơ hội hợp tác cũng như đầu tư với nhau.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành của hai nước đã từng bước hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, cơ chế hợp tác để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bên.

Từ góc độ Đại sứ quán, chúng tôi cho rằng hai bên cần sớm hoàn thiện các thỏa thuận, hiệp định về bảo hộ đầu tư, lao động, thành lập Hội đồng kinh doanh… Những thỏa thuận, cơ chế này chắc chắn sẽ tạo cơ sở để hai bên làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế và thương mại trong thời gian tới.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục