Việt Nam-Nga thúc đẩy hợp tác giáo dục và khoa học-công nghệ

Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ đã tổng kết, đánh giá và rà soát các nội dung hợp tác, xác định phương hướng hợp tác giai đoạn tới.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định - Chủ tịch Phân ban Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Mogilievskyi Konstantin Iliych - Chủ tịch Phân ban Liên Bang Nga ký kết thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định - Chủ tịch Phân ban Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Mogilievskyi Konstantin Iliych - Chủ tịch Phân ban Liên Bang Nga ký kết thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Nga-Việt về Hợp tác Thương mại, Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật, ngày 10/9, tại Trường Đại học Nghiên cứu Năng lượng quốc gia Moskva đã diễn ra kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ nhằm tổng kết, đánh giá và rà soát các nội dung hợp tác, xác định phương hướng hợp tác giai đoạn tới.

Tham dự sự kiện, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, Chủ tịch Phân ban Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Đặng Hồng Triển, cùng đại diện Viện Hàn lâm, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và một số trường đại học Việt Nam.

Đoàn đại biểu Phân ban Nga tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Konstantin Ilyich Mogilevsky - Chủ tịch Phân ban Liên Bang Nga, Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục phổ thông Liên bang Nga Korneev Andrey Alekseevich và đại diện nhiều tổ chức khoa học và giáo dục, các trường đại học của Liên bang Nga.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh cùng với việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh năm 2024 là năm kỷ niệm 10 năm ký Hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết trong 10 năm qua, với 4 Khóa họp Ủy ban đã được tổ chức mang lại những kết quả đáng khích lệ về hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ giữa hai nước, và kỳ vọng Khóa họp lần thứ V này sẽ tạo một xung lực mới cho phát triển hợp tác giữa hai nước, hai bên sẽ thảo luận, thống nhất những phương hướng và những nội dung cụ thể để làm sâu sắc hơn nội hàm chiến lược của hợp tác về giáo dục, khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định để đưa khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột của phát triển kinh tế, Việt Nam rất cần sự hợp tác chặt chẽ về giáo dục, khoa học và công nghệ với các nước trên thế giới, đặc biệt là với Liên bang Nga là nước có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

ttxvn_viet_nga_3.jpg
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Konstantin Mogilevsky nhấn mạnh Nga luôn quan tâm và thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ, giáo dục mạnh mẽ với Việt Nam và đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

Hai bên đang tích cực hợp trong nghiên cứu biển, dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành công việc thống nhất thỏa thuận liên chính phủ về việc chuyển tàu nghiên cứu “Giáo sư Gagarinsky” sang Việt Nam để tiến hành nghiên cứu chung trong vùng biển Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều hoạt động có ý nghĩa đã được tổ chức như thành lập Hiệp hội các trường đại học kỹ thuật Nga-Việt (12/2023), Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Nga và Việt Nam lần thứ 2…

Về phối hợp đào tạo nhân lực cấp quốc gia, Liên bang Nga tiếp tục cấp cho Việt Nam hạn ngạch đào tạo 1.000 suất/năm và đã đạt được thỏa thuận số lượng tuyển dụng trực tiếp các thí sinh theo chỉ tiêu của chính phủ cho năm học 2025/2026.

Trong khuôn khổ cuộc họp, đại diện hai nước đã thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm cả việc khởi động một loạt dự án nghiên cứu có tính cạnh tranh mới với nguồn tài trợ ngang bằng.

ttxvn_viet_nga_2.jpg
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Hai bên trao đổi và thống nhất tiếp tục tích cực triển khai các nội dung hợp tác, tiếp tục tổ chức tuyển chọn để đồng tài trợ các dự án hợp tác nghiên cứu chung, tổ chức thực hiện các cam kết đạt được trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn tất đàm phán Hiệp định giữa hai Chính phủ về thành lập và hoạt động của Trung tâm Pushkin để ký kết trong năm 2024, tiếp tục tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo chung tại hai nước trong lĩnh vực hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục và văn hóa...

Hai bên đã ký kết một loạt văn bản làm nền tảng cho hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục và khoa học và công nghệ bao gồm Bản ghi nhớ về gia nhập Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật Nga, Việt, Bản ghi nhớ về thành lập Mạng lưới các trường đại học chuyên ngành kinh tế Nga-Việt, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Thỏa thuận về chương trình trao đổi học thuật Trường Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục