Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế châu Âu (EEC) lần thứ 10 vừa diễn ra tại thủ đô Warsaw, Ba Lan, lần đầu tiên Ủy ban ASEAN tại Warsaw đã phối hợp tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về Hợp tác kinh tế ASEAN-EU.
Tham dự chương trình có Đại sứ các nước ASEAN tại Ba Lan, đại diện Vụ châu Á-Thái Bình Dương Bộ Ngoại giao Ba Lan và đại diện Ban tổ chức EEC cùng các lãnh đạo, doanh nghiệp, học giả Ba Lan và Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, các vấn đề liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã thu hút được sự chú ý, quan tâm của các diễn giả và đại biểu tham dự.
Các diễn giả và đại biểu đều nhận định, cùng với việc Chính phủ Ba Lan ủng hộ mạnh mẽ EVFTA và xếp Việt Nam trong danh sách 5 thị trường ưu tiên, các doanh nghiệp Ba Lan đang đứng trước rất nhiều thời cơ thuận lợi khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng đã trình bày về 6 lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu, trong đó có cơ hội từ việc Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các nền kinh tế phát triển ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.
[Bulgaria muốn là cầu nối du lịch giữa Việt Nam và châu Âu]
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ năm 2017 đến nay. Việc Việt Nam kiên trì cải cách thể chế và xã hội sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội mới trong phát triển kinh tế.
Trong khi đó, ông Janusz Piechocinski, Chủ tịch Phòng Thương mại Ba Lan-châu Á, nguyên Phó Thủ tướng Ba Lan, đánh giá Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực trong thời gian tới sẽ là động lực mạnh mẽ giúp tăng cường hợp nữa quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, thông qua việc bãi bỏ 99% các loại thuế nhập khẩu giữa hai nước trong vòng từ 7-10 năm.
Ông Piechocinski và Phòng Thương mại Ba Lan-châu Á đang nghiên cứu rất chi tiết nội dung Hiệp định để tìm hiểu các lĩnh vực có thể tư vấn cho các doanh nghiệp Ba Lan đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.
Theo phân tích của ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp, các doanh nghiệp nước ngoài có thể nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực dược phẩm, máy móc xây dựng, khai khoáng, công nghệ xanh, xử lý nước và nước thải, năng lượng thay thế, bất động sản, thiết bị điện tử, đồ uống không cồn, đồ gỗ và thời trang cao cấp…
Ông Goh Boon Keem, doanh nhân người Singapore có 12 năm kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam, khuyến cáo các nhà xuất khẩu của châu Âu và Ba Lan cần nhanh chóng tìm hiểu và mở rộng thị trường tại Việt Nam nhằm đón đầu EVFTA.
Ông Goh Boon Keem nhấn mạnh, để thấy rõ được sức tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam, các nhà đầu tư cần chứng kiến tận mắt sự sôi động của nền kinh tế Việt Nam và biện pháp đơn giản nhất là đặt ngay một tấm vé máy bay tới Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của đất nước.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ chương trình, bà Patrycja Pendrakowska, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Ba Lan-châu Á (CSPA), đã cập nhật một số diễn biến về việc EU ra thẻ vàng đối với Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản.
Bà Pendrakowska đánh giá, thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực trong việc chống việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, trong đó có ba điểm là việc thông qua Luật Thủy sản năm 2017 với những điều khoản phù hợp tiêu chuẩn của EU, triển khai Chương trình hành động cụ thể và thường xuyên tham vấn với EU về các bước đi nhằm cải thiện thực chất tình trạng khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Bà Pendrakowska cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã và đang tổ chức chiến dịch truyền thông rộng rãi để khuyến khích ngư dân khai thác thủy sản theo đúng các quy định của EU.
Diễn đàn Kinh tế châu Âu (EEC) là diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất khu vực Trung và Đông Âu. Diễn đàn năm nay có sự tham dự của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Cao ủy phụ trách Thương mại của Ủy ban châu Âu Cecilia Malstrom… cùng hơn 11.000 đại biểu đến từ nhiều nước./.