Việt Nam-Na Uy chia sẻ kinh nghiệm phát triển khí tự nhiên hóa lỏng

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho rằng, LNG đã được coi là một trong những phương án thay thế tuyệt vời cho các nhà máy nhiệt điện, nhờ giảm ô nhiễm không khí cũng như phát thải khí CO2.
Doanh nghiệp Na Uy chia sẻ kinh nghiệm phát triển LNG. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đầu tư và khai thác sử dụng năng lượng tái tạo hướng tới nền kinh tế tăng trưởng bền vững đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện.

Còn tại Việt Nam, nhiều dự án đầu tư về năng lượng tái tạo đang được triển khai, song vẫn còn một số khó khăn do lệ thuộc khá nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch. Chính vì vậy, bên cạnh các dự án điện như mặt trời, điện gió thì việc sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu cho các nhà máy điện cũng là một hướng đi để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Đây là nội dung chính của hội thảo "Na Uy-Việt Nam về khí hóa lỏng (LNG)" do Đại sứ quán Na Uy tổ chức sáng 4/11, tại Hà Nội.

Đưa ra những ưu điểm của năng lượng xanh, theo bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, khí thiên nhiên hóa lỏng đã được coi là một trong những phương án thay thế tuyệt vời cho các nhà máy nhiệt điện, nhờ giảm ô nhiễm không khí cũng như phát thải khí CO2...

Trong khi đó, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam đến năm 2025, định hướng tới năm 2035  dự báo giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 1-4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm, tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm sau đó.

"Khoảng 75% lượng LNG nhập khẩu sẽ được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện để đảm bảo an ninh cho ngành kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực LNG hợp tác với nhau," Đại sứ Grete Lochen nói.

[Phát triển lĩnh vực LNG là xu hướng tất yếu của Việt Nam]

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc điều hành Vietbid, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất thế giới, năm 2019 dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5%. Cùng với đó, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI).

Tuy vậy, việc dịch chuyển các dòng vốn FDI cũng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao, do vậy Việt Nam sẽ cần tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện khí để bổ sung cho các nguồn điện hiện có.

Số liệu đưa ra tại hội thảo cho thấy, trong quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam sẽ cần xây mới các nhà máy điện khí LNG với tổng công suất từ 15.000 - 19.000 MW để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong nước.

Ngoài ra, dự báo sau năm 2020, nguồn cung khí của Việt Nam sẽ giảm do dự trữ khí trong nước giảm. Vì vậy, Việt Nam cần nhập khẩu thêm LNG để bổ sung nhiên liệu cho các nhà máy điện ở khu vực phía Nam.

Để chuẩn bị tốt cho việc này, ông Baptiste Debaene, Giám đốc phát triển kinh doanh của Hoegh LNG cho rằng, bên cạnh các khung pháp lý hiện có, Chính phủ cũng nên hài hòa các yếu tố về thuế và nhập khẩu thiết bị cho các dự án về khí thiên nhiên hóa lỏng.

"LNG được coi là nguồn tin cậy, sạch hơn so với than và việc nhập khẩu cũng đảm bảo hỗ trợ cho nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới," đại diện Hoegh LNG nói.

Hiện nay, Na Uy được đánh giá là một trong những quốc gia có thế mạnh về LNG. Các doanh nghiệp LNG của Na Uy hoạt động ở từng mắt xích trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất LNG tới khí hóa, vận chuyển và sản xuất điện từ LNG. Đặc biệt, Na Uy là nước đầu tiên trên thế giới phát triển các trạm LNG nổi, hiệu quả về chi phí, tin cậy về giải pháp và được thi công trong một thời hạn ngắn.

Bên cạnh đó, Na Uy cũng nổi tiếng với những giải pháp xây dựng tàu quy mô nhỏ để vận chuyển LNG từ trạm tới người dùng cuối trong ngành công nghiệp gồm các nhà máy điện công suất nhỏ, các cơ sở hóa chất, sản xuất phân bón…

Vì vậy, thông qua hội thảo, doanh nghiệp hai nước cũng có thêm nhiều cơ hội để tăng cường hiểu biết chung về các xu thế của thị trường LNG toàn cầu, đồng thời chia sẻ các giải pháp và công nghệ tiên tiến cho ngành LNG, từ đó tìm kiếm đối tác để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục