Nhật báo South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) ngày 21/2 đăng bài nhận định của Janet Pau, Giám đốc Điều hành Hội đồng Doanh nghiệp châu Á, trong đó đánh giá Việt Nam, Philippines, Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan là những “Con rồng nhỏ châu Á đang chuẩn bị cất cánh.”
Những năm gần đây, cùng với 4 nước còn lại, Việt Nam được chú ý nhiều với tư cách là điểm đến trong chiến lược nguồn cung toàn cầu “Trung Quốc +1.”
Các nền kinh tế này đều có điểm chung là lực lượng lao động lớn và thị trường tiêu dùng tiềm năng, mang lại cơ hội tăng trưởng ở cả trong nước và quốc tế.
Năm nước nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn nhân lực, chú trọng tăng khả năng tiếp cận giáo dục và cải thiện chất lượng đào tạo giáo viên.
Những nước này cũng đang đầu tư vào các dự án hạ tầng để xây dựng mạng lưới kết nối và logistics hiệu quả.
Những khoản đầu tư này tập trung vào các lĩnh vực như giao thông, truyền thông, năng lượng và mạng kỹ thuật số.
Chính phủ các nước cũng đang thực hiện các chính sách công nghiệp để phát triển các ngành chủ lực, ngay cả ở những lĩnh vực khó có khả năng cạnh tranh.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 2,36 tỷ USD trong tháng Một
Có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2024; trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023.
Tác giả bài viết cũng nêu ra những khó khăn về tăng trưởng mà "các con rồng kinh tế mới" phải đối mặt. Đó là khao khát thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng không muốn khoản đầu tư đó loại bỏ các doanh nghiệp và việc làm trong nước.
Bên cạnh đó, họ cần có chi phí sản xuất và lao động mang tính cạnh tranh, nhưng phải đối mặt với mức giá lạm phát cao hơn mức tăng thu nhập hộ gia đình và mức tăng khoản tiết kiệm.
Họ cần công nghiệp hóa ở quy mô lớn, vốn thường tiêu tốn nhiều năng lượng, nhưng cũng muốn đảm bảo các hoạt động công nghiệp không hủy hoại môi trường.
Bài viết nhận định 5 nền kinh tế trên có cơ hội vạch ra đường lối tăng trưởng nhằm thúc đẩy số hóa, tính bền vững và toàn diện.
Họ cần ưu tiên các sáng kiến tạo việc làm xanh và việc làm kỹ thuật số để phục vụ nhu cầu của lực lượng lao động trẻ, có trình độ học vấn ngày càng cao và yêu cầu cao.
Ngoài ra, cũng như 4 nước còn lại, Việt Nam đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh.
Các nước này phải áp dụng những biện pháp bền vững và đảm bảo rằng nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng trong khi chống lại được những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai./.