Trong khuôn khổ hoạt động thường niên của Trung tâm Pháp ngữ châu Á-Thái Bình Dương (CREFAP) thuộc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), phiên họp lần thứ 16 của Hội đồng Định hướng thuộc trung tâm đã diễn ra ngày 29/2 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Phiên họp nhằm đánh giá các hoạt động trong năm 2015 và thông qua chương trình chiến lược cho năm 2016 về tình hình dạy và học tiếng Pháp hiện nay tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2015 đánh dấu bước khởi đầu của chương trình “Ngoại ngữ tiếng Pháp” giai đoạn 2015-2018 do OIF khởi xướng và CREFAP chịu trách nhiệm triển khai trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chương trình hướng tới ba mục tiêu chính gồm tăng cường nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về sự cần thiết phải duy trì tiếng Pháp như một môn ngoại ngữ trong chương trình giảng dạy của mỗi nước, tăng cường khả năng chuyên môn của những người sử dụng tiếng Pháp nhằm đáp ứng những yêu cầu của công việc trong bối cảnh đa ngôn ngữ.
Ngoài ra, chương trình còn hướng tới mục tiêu đa dạng hóa các hoạt động ngoại khóa nhằm tạo ra sân chơi cho tất cả học sinh.
Theo bà Véronique Girard, chuyên gia của chương trình, đại diện OIF, ba mục tiêu trên có quan hệ mật thiết và có tác dụng tương hỗ với nhau. Bà cho rằng các mục tiêu trên phải được lồng ghép vào chính sách giáo dục của các nước thành viên.
Trong năm qua, hơn 20 hoạt động khác nhau đã được tiến hành tại các nước trong khu vực và khoảng 1.200 đối tượng đã được hưởng lợi từ các hoạt động này bao gồm học sinh và giáo viên trung học cơ sở, sinh viên và giảng viên đại học, chuyên gia trong lĩnh vực quản lý giáo dục và cán bộ giáo dục ở các cấp.
Bà Girard đánh giá cao những nỗ lực của các nước thành viên nhằm tăng cường việc dạy và học tiếng Pháp trong khu vực. Theo bà, các nước đã đặc biệt chú trọng đến chất lượng của các hoạt động thay vì số lượng như trước đây.
Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với CREFAP để triển khai chương trình ngoại ngữ tiếng Pháp. Việt Nam đã xây dựng khung năng lực giáo viên tiếng Pháp; xây dựng kế hoạch tập huấn thường xuyên giáo viên tiếng Pháp dài hạn và bản đồ phân bổ giảng dạy tiếng Pháp cũng như biên soạn bộ sách tiếng Pháp ngoại ngữ hai. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại khóa do CREFAP tổ chức.
Tại cuộc họp, bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị trong thời gian tới, OIF tiếp tục hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực của các giáo viên và giảng viên tiếng Pháp tại Việt Nam. Ngoài ra, phía Việt Nam cũng mong muốn các học sinh và giáo viên tiếng Pháp đạt thành tích cao trong học tập và giảng dạy sẽ được quan tâm và động viên kịp thời hơn nữa./.