Tại Diễn đàn logistics lần thứ 3 tổ chức ngày 16/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng kinh tế.
Tuy nhiên, những năm qua chi phí hoạt động logistics của Việt Nam vẫn chiếm đến 20%-25% GDP cả nước, gây lãng phí nhiều nguồn lực trong nước. Do vậy, việc giảm chi phí logistics sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập.
Theo ông Trần Tuấn Anh, sự cạnh tranh về giá, hoạt động manh mún, chụp giật lẫn nhau, làm thuê cho các công ty nước ngoài ngay trên sân nhà vẫn là tình trạng chung của các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam.
Các địa phương đang thiếu trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ cung cấp chuyên dụng. Thị phần và thực trạng các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam còn rất khiêm tốn và ít ỏi, trong khi thị trường này đang nằm trong tay các công ty nước ngoài.
Bàn về hướng đi phát triển ngành logistics, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải biển phải liên kết, đứng cùng chiến tuyến với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nỗ lực tư vấn, cung cấp giải pháp tối ưu, tin cậy, đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cáo tính cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Đây cũng chính là bước chuẩn bị quan trọng để củng cố và gia tăng thị phần vận tải biển, logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương sắp tới cũng như việc mở rộng thị trường này theo cam kết của WTO.
Chia sẻ về lĩnh vực logistics của các nước, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, chi phí logistics ở các nước phát triển chỉ chiếm 7%-10% GDP, còn ở các nước đang phát triển chiếm 12%-25%, thậm chí trên 30% GDP.
Hiện Việt Nam có khoảng 1.300 doanh nghiệp dịch vụ logistics, chủ yếu làm nhiệm vụ giao nhận, vận tải, kho bãi, cảng biển, bốc xếp, phân phối, đại lý, thủ tục hải quan, các dịch vụ logistics tích hợp…
Thế nhưng, có đến 72% trong số này là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (quy mô vốn từ 4-6 tỷ đồng), chỉ có 5%-7% nguồn nhân lực, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, còn lại là do doanh nghiệp tự đào tạo.
Đề cập đến giải pháp phát triển trong lĩnh vực này, ông Đỗ Xuân Quang kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành Luật Logistics, thành lập Ủy ban phối hợp về logistics quốc gia Việt Nam. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư, tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng logistics, phát triển thương mại điện tử, hệ thống phân phối bán lẻ đô thị, phổ biến ngành học logistics tại các trường đại học, cao đẳng.
Mặt khác, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), khuyến khích phát triển mạng lưới ngoài nước, đa phương thức, khuyến khích chủ hàng thuê ngoài logistics như Trung Quốc vẫn làm.
Cho rằng việc định vị logistics trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam còn mơ hồ, chưa có chính sách phát triển, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội Trần Du Lịch đề nghị Nhà nước cần định vị lại logistics trong cơ cấu nền kinh tế, hướng tới thị trường khu vực TPP.
Kèm theo đó, phải gắn quy hoạch phát triển logistics với quy hoạch cảng biển, khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp; xây dựng chương trình quốc gia phát triển logistics; thực hiện mô hình đối tác công tư (PPP) nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân hạ tầng cho phát triển dịch vụ logistics.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, Nhà nước cần có chính sách vận hành hệ thống cảng một cách hợp lý hơn, kiểm soát việc thu cước tàu và phụ phí. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có thêm nhiều hãng tàu trọng tải lớn tham gia vận chuyển hàng quốc tế để đối trọng với các hãng tàu nước ngoài.
Theo dự báo của Cục Hàng hải - Bộ Giao thông Vận tải, cả năm 2015, hàng hóa qua cảng biển cả nước đạt khoảng 405 triệu tấn, đến năm 2020 là 606 triệu tấn và sẽ đạt 1.100 triệu tấn vào năm 2030.
Hiện cả nước có 31 cảng biển, 259 bến cảng, 402 cầu cảng với tổng chiều dài 59,4 km cùng với 44 tuyến luồng quốc gia./.