Việt Nam-Malaysia tìm kiếm cơ hội vàng trong hợp tác về lĩnh vực Halal

Theo quan chức Malaysia, hợp tác công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Malaysia có thể giúp hàng Việt tiếp cận được gần 2 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tháng Bảy vừa qua, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) Zafrul Abdul Aziz cho rằng hợp tác công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Malaysia có thể giúp hàng Việt tiếp cận được gần 2 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn cầu, chiếm hơn 24% dân số thế giới.

Bộ trưởng Zafrul đánh giá một trong những đột phá trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vừa qua là hai nước đã đạt được thống nhất về tăng cường hiểu biết các phương thức đẩy mạnh hợp tác Halal.

Ông khẳng định Malaysia sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị Halal. Cụ thể là sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal, là những sản phẩm phải được mở rộng kiểm soát từ nguồn gốc, xuất xứ đến các nhà bán lẻ, nhà hàng, mua sắm trực tuyến và đến cả tay người tiêu dùng.

Trước đó, trong các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Muhyiddin Yassin tới Việt Nam vào tháng 3/2021 và của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob vào tháng 3/2022, lãnh đạo hai nước đã tập trung thảo luận về mở rộng hợp tác trong phát triển lĩnh vực Halal, logistics, tài chính và ngân hàng Hồi giáo, du lịch và dịch vụ khách sạn thân thiện với người Hồi giáo, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đồ uống Halal.

Hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2025, giới chức Malaysia đánh giá hai nước đang có những thế mạnh riêng, có thể bổ sung và hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản.

Việt Nam có nền nông nghiệp đa dạng và phát triển với nhiều loại cây trồng, vật nuôi; xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản có giá trị.

Bên cạnh đó, với yếu tố địa lý khá gần Malaysia khiến vận chuyển đường biển và đường không rất thuận lợi, hàng hóa nông sản của Việt Nam khi được vận chuyển đến Malaysia vẫn đảm bảo độ tươi ngon và không bị giảm chất lượng.

Giám đốc cấp cao phụ trách hội nhập kinh tế ASEAN thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia (MITI), bà Jamilah Haji Hassan, bày tỏ ủng hộ việc hai nước Việt Nam và Malaysia tập trung thúc đẩy ngành thực phẩm Hồi giáo Halal.

Bà cho rằng hai nước đều có chiến lược đảm bảo an ninh lương thực, với Việt Nam là giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2050, còn Malaysia là giai đoạn 2020-2030. Do vậy, một số công ty Malaysia hiện đang rất quan tâm thúc đẩy hợp tác với các công ty Việt Nam trong lĩnh vực này.

Cũng theo bà Hassan, trên thực tế, Việt Nam đã xuất khẩu thực phẩm Hồi giáo Halal vào thị trường Malaysia từ năm 2016, với mức xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 5,32 tỷ RM (khoảng 1,19 tỷ USD), chiếm 17% kim ngạch nhập khẩu của Malaysia.

Malaysia kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 nhà xuất khẩu thực phẩm Halal lớn nhất vào nước này và Malaysia có thể chia sẻ kinh nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về các tiêu chuẩn của thực phẩm Hồi giáo Halal nhằm tạo thuận lợi trong tiếp cận nhiều hơn với thị trường Halal Malaysia cũng như Halal thế giới.

Về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực Halal, Việt Nam có thể tăng cường hợp tác thông qua đơn vị phụ trách trực tiếp là Cơ quan Xúc tiến ngoại thương quốc gia Malaysia (MATRADE).

Triển lãm Halal Quốc tế Malaysia (MIHAS) 2022 là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.

Trên thế giới, chứng nhận Halal của Malaysia là một trong những chứng nhận được tìm kiếm nhiều nhất, vì đây là chứng nhận của chính phủ chứ không phải của các tổ chức độc lập.

Malaysia có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn, trong khi các công ty Malaysia cung cấp vốn, công nghệ và kỹ năng để đầu tư vào ngành công nghiệp Halal của Việt Nam.

Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam có thể khám phá các cơ hội tại Malaysia, đặc biệt trong sản xuất thực phẩm Halal, mỹ phẩm và dược phẩm.

Các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích lựa chọn Malaysia là địa điểm sản xuất quan trọng, bởi vì Malaysia có thể cung cấp chứng chỉ Halal được công nhận trên toàn cầu từ Cơ quan Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM).

Với cách tiếp cận chiến lược đó, Việt Nam có thể nhanh chóng thâm nhập các thị trường Halal toàn cầu, tận dụng khả năng kết nối đã được thiết lập tốt với các thị trường Halal ở Đông Nam Á.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia trong ngành công nghiệp Halal không chỉ là tận dụng thế mạnh của nhau mà còn tạo ra mối quan hệ cộng sinh xuyên biên giới. Trong đó, tăng cường tiếp cận thị trường, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy đổi mới về Halal là những bước khởi đầu. Malaysia hỗ trợ đào tạo cho các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam về quy trình sản xuất và cấp chứng nhận Halal.

Tại Malaysia, hằng năm quốc gia này đều tổ chức Hội nghị triển lãm quốc tế về Halal (MIHAS), thể hiện vai trò trung tâm của ngành công nghiệp này. Hàng nghìn nhà triển lãm đến từ hơn 40 nước trên thế giới đã tham dự và thu hút gần 40.000 khách tham quan.

halal_viet nam_malaysia 2.jpg
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, nhiều doanh nghiệp Việt, trong đó đa số là các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, đã chủ động kết nối, trao đổi trực tiếp với phía bạn để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

MITI và Tổng công ty Phát triển Ngoại thương Malaysia (MATRADE) cũng khuyến khích các nhà xuất khẩu tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để tăng kim ngạch xuất khẩu Halal.

Malaysia muốn tạo ra một cụm xuất khẩu và thu hút các công ty toàn cầu tìm nguồn cung ứng sản phẩm và dịch vụ Halal tại đây, bao gồm từ cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Tham tán Thương mại Lê Phú Cương cho rằng, trong thời gian tới, còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh thương mại song phương giữa Việt Nam và Malaysia, nhất là trong bối cảnh hai bên đều đang nỗ lực tận dụng tốt các cơ hội từ các thỏa thuận thương mại khu vực cùng tham gia như RCEP và CPTPP.

Đây là nền tảng vững chắc để thúc hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước liên tục phát triển trong tương lai.

Trong khi đó, Vụ trưởng vụ Xúc tiến thương mại và Tiếp cận thị trường - Cơ quan phát triển ngoại thương quốc gia Malaysia (MATRADE) - Raja Badrulnizam Kamalzaman cho rằng có hai điểm mà các công ty Việt Nam nên biết trước khi thâm nhập thị trường Malaysia.

Thứ nhất là tiêu chuẩn về Halal mà phía Malaysia hoàn toàn có thể hỗ trợ. Malaysia có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc cấp chứng chỉ Halal và các công ty có được chứng chỉ Halal của Malaysia sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường Malaysia nói riêng và thị trường Hồi giáo khác nói chung.

Thứ hai là hai nước đã cùng nhất trí nâng kim ngạch thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được những con số ấn tượng này, hai quốc gia sẽ cần tập trung vào một số lĩnh vực mới và ngành công nghiệp Halal là một trong số đó.

Giới chức Malaysia cho rằng ngoài thực phẩm Halal, Việt Nam và Malaysia cũng có thể khai thác lĩnh vực du lịch Halal thông qua các chiến dịch quảng bá chung để thu hút khách du lịch từ các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi cũng như thúc đẩy du lịch ở mỗi nước.

Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và thứ 11 trên thế giới. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Malaysia trong ASEAN, trong khi Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN (sau Singapore) và đứng thứ 11/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2025 sẽ đánh dấu 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (8/2015-8/2025) giữa hai nước. Hai nước đang không ngừng hướng đến hợp tác toàn diện và gắn kết hơn trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, an ninh-quốc phòng đến kinh tế. Trong đó, phát triển ngành công nghiệp Halal được xác định là lĩnh vực ưu tiên với kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội vàng cho cả hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục