Việt Nam luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Hà Lan tại châu Á

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh họp trực tuyến với Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại-Hợp tác Phát triển Hà Lan Sigrid Kaag để trao đổi việc thực thi EVFTA, thúc đẩy hợp tác thương mại song phương....
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chiều 14/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã họp trực tuyến với Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại và Hợp tác Phát triển Hà Lan Sigrid Kaag cùng CEO của 13 doanh nghiệp lớn Hà Lan để trao đổi tình hình triển khai thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại song phương và đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước.

Bộ trưởng Sigrid Kaag cảm ơn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dành thời gian trao đổi với các doanh nghiệp Hà Lan và bày tỏ ấn tượng tốt đẹp trước những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đi đôi với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội thời gian qua.

Bộ trưởng Sigrid Kaag khẳng định Việt Nam luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Hà Lan tại châu Á. Trong thời gian qua, hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, sản xuất giảm phát thải... hướng đến phát triển bền vững.

Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đã mở ra những cơ hội mới to lớn cho doanh nghiệp hai nước và là thời điểm thích hợp để hai bên cùng nhau tăng cường hợp tác sâu sắc hơn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã hoan nghênh sự quan tâm của Chính phủ cũng như của các tập đoàn lớn của Hà Lan đối với các lĩnh vực hợp tác về thương mại, công nghiệp và năng lượng cũng như các chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giải đáp các vấn đề cụ thể mà từng doanh nghiệp Hà Lan quan tâm; làm rõ hơn các nội dung liên quan đến việc thực thi EVFTA (thuế, sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ, mua sắm Chính phủ...) và việc Việt Nam có thể hỗ trợ những gì trong chiến lược của các nhà đầu tư Hà Lan đưa Việt Nam trở thành Trung tâm sản xuất và tiêu dùng trong khu vực ASEAN.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã và đang là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư Hà Lan, do đó cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh mới, tận dụng hiệu quả những cơ hội do EVFTA mang lại.

[Cơ hội thu hút đầu tư và phát triển kinh doanh Việt Nam-Hà Lan]

Thay mặt các doanh nghiệp Hà Lan, bà Ingrid Thijssen, Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp và Hiệp hội giới chủ Hà Lan cho biết Việt Nam là thị trường có ý nghĩa chiến lược đối với các doanh nghiệp Hà Lan tại châu Á, nơi các doanh nghiệp Hà Lan thể hiện mối quan tâm lớn và sẵn sàng đầu tư nhiều hơn nữa, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có mặt ở Việt Nam.

Đồng thời, cảm ơn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề doanh nghiệp Hà Lan quan tâm để tìm ra những giải pháp thiết thực, tăng cường mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Kết thúc cuộc họp, hai Bộ trưởng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hai nước tận dụng tốt nhất những cơ hội mở ra khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã có hiệu lực.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, Hà Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong EU và Hà Lan cũng là nhà đầu tư EU lớn nhất vào Việt Nam.

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương trung bình đạt 11,78% năm; tốc độ tăng trưởng đầu tư trung bình của Hà Lan vào Việt Nam đạt 31,51%/năm.

Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của Việt Nam sang Hà Lan vẫn đạt 6,26 tỷ USD, tăng 0,22%; nhập khẩu đạt 582,4 triệu USD, giảm 4,13%.

Tính đến hết tháng 11/2020, tổng vốn lũy kế đầu tư trực tiếp từ Hà Lan vào Việt Nam lên đến 10,4 tỷ USD với 375 dự án và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 10 (nhà đầu tư EU lớn nhất) vào Việt Nam.

Trên thực tế, tiềm năng cũng như nhu cầu hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa Hà Lan và Việt Nam là rất lớn, nhất là những lĩnh vực như logistic, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khi hậu..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục