Hơn 280.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề

Việt Nam luôn dành sự chăm lo chu đáo cho người khuyết tật

Tất cả những chính sách hỗ trợ đã mang lại cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học...
Việt Nam luôn dành sự chăm lo chu đáo cho người khuyết tật ảnh 1Tư vấn việc làm cho người khuyết tật. (Ảnh minh họa: Hồng Kiều/Vietnam+)

Số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, chương trình chăm sóc sức khỏe của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Hàng năm, có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp, hỗ trợ tạo việc làm...

Đây là thông tin được đưa ra tại "Diễn đàn việc làm và cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật" do Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ an sinh xã hội và Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức ngày 30/11 tại Hà Nội.

Theo số liệu, hiện nay Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đa số người khuyết tật trong độ tuổi lao động sống ở nông thôn, công việc chính của họ là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp nên không ổn định, thu nhập thấp. Trong 40% người khuyết tật ở độ tuổi lao động và còn khả năng lao động thì 30% có việc làm, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội.

Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học, được phát triển, số người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng. Các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho người khuyết tật vươn lên.

[Hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên-Huế sớm ổn định sau bão lũ]

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), đến nay có 282.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm, trong đó có 210.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, 50.000 người khuyết tật được tư vấn, giới thiệu việc làm, 22.000 người được vay vốn từ quỹ quốc gia việc làm. Về hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay có 22.000 lượt người được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết tổng dư nợ của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đến ngày 31/10 đạt 29.721 tỷ đồng. Tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là đối với người khuyết tật, các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật để tự phát triển sản xuất, kinh doanh đến nay thực sự đi vào cuộc sống, có hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là người khuyết tật trên phạm vi cả nước.

Việt Nam luôn dành sự chăm lo chu đáo cho người khuyết tật ảnh 2Dạy nghề may công nghiệp cho người khuyết tật ở Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Người khuyết tật được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế,... giúp người khuyết tật tự chăm sóc bản thân mình cũng như có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Tất cả những chính sách hỗ trợ đa dạng đã mang lại cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, được thể hiện trong Hiến pháp, Luật người khuyết và các Luật chuyên ngành…

Gần đây nhất, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

"Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Với sự đồng lòng, chúng ta sẽ có tiếng nói chung để đưa ra được những sáng kiến, giải pháp kịp thời, phù hợp để hoạt động trợ giúp người khuyết tật ở Việt Nam được thực hiện một cách hữu hiệu nhất," Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục