Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư giữa Đức và Việt Nam, ủng hộ EC xem xét gỡ bỏ "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam.
Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh với ngài Jochen Flasbarth, Quốc Vụ khanh Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Đức. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 28/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã tiếp Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức Jochen Flasbarth đang ở thăm Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức và mong chờ đón đoàn Thủ tướng Đức Olaf Scholz sang thăm Việt Nam trong tháng 11, kỳ vọng chuyến thăm sẽ tạo động lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và đứng thứ sáu ở châu Á.

Đặc biệt, sau hai năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, trong đó có Đức.

[Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-CHLB Đức]

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt-Đức năm 2021 đạt trên 10 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2020; đạt gần 7,3 tỷ USD trong 7 tháng năm 2022, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá việc hai bên thiết lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Đức (tháng 6/2020) đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác còn nhiều tiềm năng giữa hai nước; mong muốn hoạt động của Ủy ban hỗn hợp sẽ có hiệu quả hơn nữa trong việc thúc đẩy các chương trình và dự án hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước. 

Về đầu tư, hiện có trên 300 doanh nghiệp Đức đang làm ăn hiệu quả tại Việt Nam, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Siemens, Mercedez, Adidas, Bosch, Braun… Tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI của Đức đăng ký tính đến tháng 1/2022 đạt 2,3 tỷ USD với trên 417 dự án còn hiệu lực.

Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức ảnh 2Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tiếp ngài Jochen Flasbarth, Quốc Vụ khanh Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Đức. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư giữa Đức và Việt Nam; ủng hộ việc Ủy ban châu Âu xem xét sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản của Việt Nam.

Phó Thủ tướng cảm ơn Đức đã xác định Việt Nam là Đối tác toàn cầu trong chiến lược Hợp tác phát triển đến năm 2030, tập trung vào các lĩnh vực môi trường, năng lượng và đào tạo nghề; cũng như sự hỗ trợ quan trọng của Đức dành cho Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh nỗ lực rất lớn của Việt Nam, rất cần có sự hợp tác chung tay của cộng đồng quốc tế để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn, trên cương vị Chủ tịch Nhóm G7 trong năm 2022, Đức hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính xanh của Nhóm G7 và các thể chế tài chính quốc tế, các tập đoàn tư nhân lớn, cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quốc vụ khanh Jochen Flasbarth bày tỏ ấn tượng với thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cả trong ngắn hạn và dài hạn, trong đó phần lớn người dân đều được hưởng lợi; kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và duy trì tốc độ tăng trưởng dương.

Quốc vụ khanh khẳng định Đức mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực; cam kết đồng hành cùng Việt Nam hiện thực hóa các cam kết tại COP26, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục