Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao chia sẻ những ưu tiên về đối nội, đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 6/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đang thăm chính thức Việt Nam.

Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp, hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua, trao đổi sâu rộng về phương hướng và các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, đối thoại ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác hiện có.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ những ưu tiên về đối nội, đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu; mời Bộ trưởng Motegi Toshimitsu thăm Việt Nam, dự các hội nghị liên quan ASEAN trong năm 2020.

Bộ trưởng Ngoại giao Motegi Toshimitsu khẳng định Nhật Bản coi trọng và mong muốn đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng và thực chất hơn nữa, khẳng định Nhật Bản ủng hộ và sẽ hợp tác chặt chẽ để Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. 

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, ODA, phát triển nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tích cực đưa các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…, sớm cho phép nhập khẩu quả nhãn của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hai bên nhất trí phối hợp trong lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh, lao động, loại bỏ những công ty tiếp nhận lao động, tổ chức môi giới du học không lành mạnh nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của lao động, thực tập sinh, lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông báo việc Chính phủ Việt Nam chấp thuận đề nghị của Nhật Bản về việc mở Văn phòng Lãnh sự tại Đà Nẵng, đồng thời đề nghị Chính phủ Nhật Bản đơn giản hóa hơn nữa thủ tục cấp thị thực cho công dân Việt Nam.

[Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phát triển]

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trao đổi về việc thúc đẩy các liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có việc triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sớm ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Hai bên cũng trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Nhân dịp này, hai bên đã tổ chức Lễ ký kết Công hàm trao đổi của các Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long sử dụng vốn vay ODA trị giá 11,891 tỷ yên giữa Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Dự án tiếp nhận trang thiết bị phân tích dioxin và môi trường sử dụng viện trợ không hoàn lại trị giá 2,7 triệu USD giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục