Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết liên quan đến vụ kiện của bà Trần Tố Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của của tòa phúc thẩm Paris liên quan đến vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga.

Bà Trần Tố Nga phát biểu tại một buổi họp báo. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Bà Trần Tố Nga phát biểu tại một buổi họp báo. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Chiều 22/8, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phiên tòa liên quan đến vụ bà Trần Tố Nga kiện các công ty sản xuất chất độc da cam/dioxin của Mỹ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

"Chúng tôi cũng vừa nhận được thông tin về việc này. Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của tòa phúc thẩm Paris về vụ việc và chúng tôi đã nhiều lần nêu quan điểm về việc này. Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những hậu quả nặng nề vẫn còn tác động sâu sắc đến đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin.

Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, yêu cầu các công ty hóa chất sản xuất và cung cấp chất độc da cam/dioxin cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam khiến hàng triệu người Việt Nam là nạn nhân có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra."

Từ năm 2014, bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đã đệ đơn kiện tại Tòa án Évry ở ngoại ô Paris.

Vụ kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ đã được đưa ra xét xử vào năm 2021. Tuy nhiên, Tòa án Évry đã bác vụ kiện vì cho rằng các doanh nghiệp này có đủ cơ sở để sử dụng "quyền miễn trừ," do họ đã hành động theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ. Vì vậy, Tòa án Évry không có đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia có chủ quyền khác.

Sáng 7/5/2024, Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) mở phiên điều trần cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, vì đã sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin (chất độc da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Tòa phúc thẩm Paris ngày 22/8/2024 đã ra phán quyết giống với Tòa sơ thẩm Érvy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục