Việt Nam-Lào hợp tác chuẩn hóa chương trình dạy song ngữ tại Lào

Việc ký Bản ghi nhớ kết quả làm việc giữa Ban chỉ đạo Đề án Việt-Lào sẽ giúp triển khai chương trình dạy song ngữ cũng như dạy tiếng Việt tại Lào được thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả hơn.
Việt Nam-Lào hợp tác chuẩn hóa chương trình dạy song ngữ tại Lào ảnh 1Quang cảnh lễ ký kết. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 23/6, tại thủ đô Vientiane đã diễn ra lễ ký Bản ghi nhớ kết quả làm việc giữa Ban chỉ đạo Đề án Việt-Lào do Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Ban Biên soạn Chương trình dạy song ngữ Lào-Việt tại trường Nguyễn Du, thuộc Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.

Theo bản ghi nhớ trên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam triển khai Biên soạn chương trình dạy tiếng Việt và bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) từ lớp 1 đến lớp 12 và thí điểm dạy học song ngữ Việt-Lào tại trường phổ thông Nguyễn Du, tại thủ đô Vientiane, Lào.

Viện cũng sẽ xây dựng chương trình dạy tiếng Việt cho học sinh phổ thông tại các trường Việt kiều, trong đó xác định yêu cầu cần đạt đối với người học sau khi kết thúc các giai đoạn giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, dựa vào khung năng lực Tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Ngoài ra, Viện sẽ biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) theo chương trình được xây dựng.

Bên cạnh đó, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng sẽ xây dựng chương trình thí điểm dạy học song ngữ Việt-Lào các môn Toán và Thế giới quanh ta ở cấp Tiểu học, các môn Toán và khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong trường phổ thông Nguyễn Du, Vientiane, Lào; biên soạn các tài liệu hướng dẫn dạy học; phối hợp tổ chức dạy thí điểm song ngữ; phối hợp tổ chức đánh giá kết quả thí điểm chương trình dạy học song ngữ.

Trường song ngữ tiếng Việt và tiếng Lào Nguyễn Du được thành lập theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam-Lào. Trường do Bộ Giáo dục và Thể thao Lào chỉ đạo về chuyên môn, Hội Người Việt Nam thủ đô Vientiane quản lý, dưới sự chỉ đạo chung của Đại Sứ quán Việt Nam tại Lào.

Việc ký Bản ghi nhớ kết quả làm việc giữa Ban chỉ đạo Đề án Việt-Lào lần này sẽ giúp triển khai chương trình dạy song ngữ cũng như dạy tiếng Việt tại Lào được thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả hơn, trở thành biểu tượng của sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước Việt Nam và Lào, góp phần giữ gìn và phát huy tình đoàn kết hữu nghị vĩ đại và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục