Việt Nam-Lào: Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại than

Hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại than, đặc biệt là hướng tới mục tiêu xuất khẩu 20 triệu tấn than từ Lào sang Việt Nam mỗi năm tùy theo điều kiện thực tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chiều ngày 20/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone ký Bản ghi nhớ giữa hai bên về hợp tác trong lĩnh vực than. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước.

Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng (đặc biệt là điện) giữa Việt Nam-Lào được đẩy mạnh. Hai bên đã tăng cường ký kết hợp tác triển khai nhiều dự án đầu tư và các hoạt động hợp tác năng lượng, như: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào; đẩy mạnh hợp tác mua bán điện; hỗ trợ phát triển các dự án thủy điện tại Lào... 

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên cũng như dư địa hợp tác trong các lĩnh vực này còn rất lớn, cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Lào nhằm hiện thực hóa các cam kết và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước.

[Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội Lào]

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng Bản ghi nhớ lần này có nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại than, đặc biệt là mục tiêu xuất khẩu 20 triệu tấn than từ Lào sang Việt Nam mỗi năm tùy theo điều kiện thực tế của thị trường và nhu cầu mỗi bên; thúc đẩy hợp tác đầu tư trong hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu than; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực trong lĩnh vực khai thác chế biến than.

Bản ghi nhớ cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại than giữa các doanh nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Lễ Ký kết. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việc ký kết Bản ghi nhớ không chỉ khẳng định quyết tâm của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao, góp phần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Lào, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước, mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo cam kết với quốc tế; tạo điều kiện cho Lào khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Sau lễ ký, hai Bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật của hai bên triển khai, hoàn tất các thủ tục nội bộ theo quy định để Bản ghi nhớ sớm được triển khai thực chất, hiệu quả; đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp liên quan của hai nước cần bám sát các nội dung của Bản ghi nhớ, chủ động, tích cực triển khai các hoạt động hợp tác, chia sẻ thông tin và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả triển khai với các cấp lãnh đạo của mỗi nước theo quy định để kịp thời nắm bắt, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, bảo đảm cho hoạt động hợp tác có hiệu quả với tinh thần hai bên cùng thắng.

Các đại biểu tham dự Lễ ký kết. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngoài ra, Bản ghi nhớ cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan của hai nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt-Lào.

Đặc biệt, hai Bộ trưởng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Lào chỉ đạo, tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại có năng lực, uy tín của mỗi nước xây dựng các chương trình ưu đãi và có các hỗ trợ cần thiết về tín dụng, giúp các doanh nghiệp hai nước thành công trong các hoạt động hợp tác, đầu tư, kinh doanh của mình.

Hai Bộ trưởng đã nhất trí sẽ kiến nghị Chính phủ hai nước tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ và sớm thiết lập các khuôn khổ hợp tác song phương mới, tạo thuận lợi, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước./.

Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào trong thời gian qua vẫn phát triển tích cực trên các lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, năng lượng dù gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào đạt 1,7 tỷ USD (tăng 24% so với năm 2021). Riêng 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai nước đạt 833 triệu USD (tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2022).

Thời gian qua, Lào cũng là nhà cung cấp than, quặng và khoáng sản quan trọng cho Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 1,8 triệu tấn quặng và khoáng sản từ Lào, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 78,2 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu từ Lào hơn 900.000 tấn quặng và khoáng sản, với kim ngạch nhập khẩu đạt 31,6 triệu USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục