Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ

Tại buổi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ và trong phát triển quan hệ của Ấn Độ với ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2-3/9.

Sáng 3/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã long trọng đón và hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Ngài Narendra Modi lần đầu tiên tới thăm Việt Nam trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ; đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm, đặc biệt khi hai nước đang hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược trong năm 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và tình bạn, tình anh em cao đẹp giữa nhân dân hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đặt nền móng; bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển tích cực của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Ấn Độ; khẳng định Việt Nam ủng hộ Ấn Độ triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” và đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ vui mừng sang thăm chính thức Việt Nam; chúc mừng thành công của Đại hội Đảng XII và Quốc hội khóa 14 đã bầu ra ban lãnh đạo mới của Việt Nam; chúc mừng Việt Nam về những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội.

Thủ tướng Ấn Độ vô cùng xúc động khi được thăm Nhà sàn Bác Hồ; bày tỏ tự hào về mối quan hệ gắn bó giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nehru - những vị lãnh tụ đã xây dựng nên mối quan hệ gắn bó giữa hai dân tộc.

Thủ tướng Ấn Độ khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ và trong phát triển quan hệ của Ấn Độ với ASEAN, mong muốn đưa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới.

Hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển sâu rộng và thực chất trên các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007. Trên cơ sở đó, để đáp ứng nguyện vọng của Lãnh đạo và nhân dân hai nước, phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài, cũng như mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược” lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện.”

Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị ngoại giao thông qua tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp; thúc đẩy quan hệ trên kênh Đảng, Quốc hội và giao lưu nhân dân; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, trong đó có việc sớm tổ chức họp Ủy ban liên Chính phủ hai nước. Hai bên nhất trí hợp tác an ninh quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng của Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện; cam kết triển khai hiệu quả Tuyên bố tầm nhìn chung về Hợp tác Quốc phòng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Ấn Độ cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho tàu Hải quân Ấn Độ thăm Việt Nam, điều đó giúp tăng cường giao lưu, hiểu biết giữa Hải quân hai nước.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh tiềm năng to lớn mang tính chiến lược của hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong quan hệ hai nước; đánh giá cao thương mại hai nước năm 2015 đã đạt hơn 7,8 tỷ USD, theo đó khẳng định kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020 là hoàn toàn hiện thực.

Hai Thủ tướng nhất trí sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan thực hiện các biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước khai thác cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh; giảm bớt các rào cản thương mại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của hai bên; khuyến khích tăng cường đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Thủ tướng Narendra Modi hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tìm kiếm cơ hội tham gia vào sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" để hưởng các ưu đãi từ sáng kiến ​này. Thủ tướng Ấn Độ ghi nhận đề nghị về việc giảm bớt các rào cản thương mại và giao cho các bộ, ngành trao đổi cụ thể với nhau.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các công ty Ấn Độ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên; khẳng định tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các nhà đầu tư Ấn Độ trên cơ sở pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Thủ tướng Modi khẳng định công ty dầu khí ONGC của Ấn Độ sẽ tiếp tục các dự án dầu khí ở Việt Nam và đề nghị Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho công ty ONGC của Ấn Độ mở rộng hợp tác, đầu tư ở Việt Nam.

Hai bên cũng trao đổi về các biện pháp cụ thể hóa và mở rộng hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực quan trọng khác như năng lượng, các dự án sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và việc sử dụng khoa học vũ trụ phục vụ đời sống dân sinh; dầu khí, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.

Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh tiềm năng và tầm quan trọng của hợp tác nông nghiệp giữa hai nước; khẳng định sự cần thiết của việc tăng cường kết nối hàng không, hàng hải, kết nối hạ tầng cứng và kết nối số giữa hai nước.

Hai Thủ tướng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại ASEAN và các diễn đàn liên quan.

Về vấn đề Biển Đông, hai Thủ tướng tái khẳng định mong muốn và quyết tâm hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc triệt để tôn trọng DOC và bày tỏ mong muốn các bên liên quan sớm đạt COC.

Thủ tướng Ấn Độ mong muốn Việt Nam cùng các nước ASEAN sớm đạt được thỏa thuận để triển khai gói tín dụng trị giá 1 tỷ USD mà Ấn Độ dành cho ASEAN trong lĩnh vực kết nối số và kết nối hạ tầng.

Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và hiểu biết lẫn nhau. Thủ tướng Ấn Độ chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình và trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Ấn Độ vào thời gian thuận tiện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và nhận lời mời. Thời gian cụ thể sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.

Ngay sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi đã chứng kiến lễ ký 12 văn kiện hợp tác và có cuộc gặp gỡ báo chí chung.

12 văn kiện hợp tác gồm MOU khung về hợp tác trong việc khai thác sử dụng vũ trụ cho mục đích hòa bình giữa hai Chính phủ; Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về Tránh đánh thuế hai lần; Chương trình hợp tác giữa Bộ Quốc phòng nước Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ về các vấn đề gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Nghị định thư giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ về kỷ niệm năm hữu nghị 2017; Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế nước Việt Nam và Bộ Y tế Ấn Độ về Hợp tác Y tế; Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực Công nghệ thông tin; Biên bản ghi nhớ về Hợp tác giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề quốc tế; Biên bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực An ninh mạng; Bản ghi nhớ giữa Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam và Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ về công nhận tiêu chuẩn chất lượng; Thỏa thuận về việc xây dựng hạ tầng thông tin cho việc đào tạo Công nghệ thông tin chất lượng cao; Thỏa thuận kỹ thuật về Chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Ấn Độ; Hợp đồng thiết kế, thi công, đóng mới tàu tại Ấn Độ, bàn giao tại Việt Nam; cung cấp vật tư, trang thiết bị, chuyển giao công nghệ đóng mới tàu tại Việt Nam giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Công ty Larsen&Toubro Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục