Việt Nam là trọng điểm đầu tư của doanh nghiệp Nhật

70% số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục xem đây là một trọng điểm để đầu tư.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

70% số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục xem đây là một trọng điểm đầu tư.

Đây là một trong những kết quả khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại dương năm 2013, được Tổ chức thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) công bố ngày 24/2 Tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo kết quả khảo sát, có 90% doanh nghiệp cho rằng lý do chính để mở rộng kinh doanh là doanh thu tăng. Riêng đối với doanh nghiệp phi sản xuất bị hấp dẫn bởi hai yếu tố gồm khả năng tăng trưởng và có tiềm năng.

Bên cạnh đó, Việt Nam xếp thứ 4 trong số 15 quốc gia có nguồn lao động dễ tuyển dụng và tình hình chính trị-xã hội ổn định… cũng tạo nên ưu thế về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả chương trình khảo sát cũng cho thấy, môi trường đầu tư Việt Nam tồn tại một số quan ngại vì vẫn nằm trong toàn bộ năm hạng mục được cho là rủi ro cao gồm chính sách pháp luật, thủ tục hành chính, chế độ thuế, thủ tục thuế quan và chi phí nhân công.

Mặt khác, dù tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam ngày càng tăng nhưng cũng chỉ chiếm 32,2%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác như Trung Quốc (64%), Thái Lan (53%), Malaysia (42%), Indonesia (41%)…

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Văn phòng đại diện JETRO tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình cải tiến về chính sách và thể chế vì đây là những rủi ro mà các doanh nghiệp Nhật Bản quan ngại nhiều nhất.

Ngoài ra, để nâng cao tính cạnh tranh về chi phí thì tỷ lệ nội địa hóa là vô cùng cần thiết. Do đó, Chính phủ phải đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước ở ngành công nghiệp hỗ trợ bằng các hình thức cho vay vốn lãi suất thấp, phát triển nguồn nhân lực…

Cũng theo ông Yasuzumi Hirotaka, trong những năm gần đây cơ quan hành chính Việt Nam có xu hướng lắng nghe, giải quyết từng vấn đề cụ thể cho doanh nghiệp và đây là con đường ngắn nhất để thu hút đầu tư vào Việt Nam hiệu quả.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện không còn lợi thế về quỹ đất và chi phí thuế đất so với các tỉnh, thành khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… nhưng bù lại thành phố có nguồn lao động chất lượng cao, thu nhập bình quân theo đầu người gấp hai lần cả nước là những điều kiện để hấp dẫn các nhà đầu tư ở lĩnh vực dịch vụ, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Chương trình khảo sát này có sự tham gia của gần 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á và châu Đại dương, trong đó nhận được kết quả hợp lệ từ 4.561 doanh nghiệp.

Riêng tại Việt Nam, chương trình khảo sát thu được kết quả hợp lệ từ 435 doanh nghiệp.

Theo JETRO, mục tiêu của chương trình là nắm rõ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại dương, từ đó giúp cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh thuận lợi ở khu vực này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục