Những năm qua, nhiều mô hình phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả của thế giới cũng đã được áp dụng tại Việt Nam.
Việt Nam gần đây liên tục được cộng đồng quốc tế nhắc đến như là một trong những điểm sáng, là nước áp dụng được nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.
Ủy viên Bộ Chính trị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại hội nghị tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS và kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS diễn ra sáng 1/12 tại Hà Nội.
[30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam]
Theo Phó Thủ tướng, sau gần 40 năm thế giới ứng phó, đại dịch HIV/AIDS vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các quốc gia, dân tộc.
Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2020, thế giới hiện có 38 triệu người nhiễm HIV đang sống chung với HIV và khoảng hơn 35 triệu người đã tử vong vì AIDS. Mỗi ngày qua đi thế giới có khoảng 5.000 người nhiễm mới HIV và mỗi năm thế giới lại có khoảng 1,7 triệu người nhiễm mới và khoảng 700.000 người tử vong do AIDS.
“Tại Việt Nam, trong 30 năm qua, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể và của nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chúng ta rất đáng tự hào về kết quả 30 năm phòng, chống HIV/AIDS. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam nhiều năm qua,” Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho hay.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích, trải qua 30 năm ứng phó với đại dịch AIDS, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và sự chủ động của hệ thống y tế, Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%.
Theo ước tính của các chuyên gia, trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ.
Theo người đứng đầu ngành y tế, với kinh nghiệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS cùng với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cần phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp với ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Bộ Y tế cần thực hiện tốt công tác liên thông trong khám chữa bệnh, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu được và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV/AIDS…
Đối với các tổ chức xã hội, cộng đồng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ yêu cầu cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích.
Các cơ quan chính phủ thời gian tới cũng cần giúp Chính phủ nghiên cứu đề xuất tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS…/.