Khóa họp lần thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã chính thức khép lại sau 3 tuần họp liên tục tại Geneva với sự tham dự của đại diện 47 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, trong đó có Việt Nam.
Tại khóa này, Hội đồng Nhân quyền cũng đã thông qua báo báo của Nhóm làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam với sự nhất trí cao. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Geneva đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn thường trực tại Geneva và là Trưởng đoàn Việt Nam tham gia phiên họp này.
Dưới đây là nội dung buổi phỏng vấn:
- Khóa họp lần thứ 26 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva đã diễn ra từ ngày 10 đến 27/6, với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Đại sứ có thể tóm lược một vài nội dung chính của khóa họp này?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Khóa họp lần thứ 26 là một khóa họp quan trọng với Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Một mặt, đây là khóa họp xem xét thông qua báo cáo của Nhóm làm việc về UPR về Việt Nam; ngoài tầm quan trọng của sự kiện này với riêng Việt Nam; cũng cần lưu ý rằng Việt Nam cũng là một trong những nước được cộng đồng quan tâm tham gia, đóng góp xây dựng nhiều nhất trong chu kỳ UPR 2.
Mặt khác, khóa 26 thảo luận, xem xét nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quyền con người được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm; đồng thời trong đó có nhiều vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm thúc đẩy, có kinh nghiệm để chia sẻ và có nhu cầu hợp tác.
Điểm nổi bật nhất tại khóa 26 là các cuộc làm việc, thảo luận và thương lượng các dự thảo liên quan đến bảo vệ các nhóm xã hội yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người tàn tật, chiếm khoảng gần 1/2 thời lượng thảo luận. Đây cũng là lĩnh vực mà đoàn Việt Nam ưu tiên tham gia đóng góp chủ động, có trách nhiệm với nhiều phát biểu cấp đại sứ, trưởng đoàn; đồng thời tham gia đồng bảo trợ một số nghị quyết liên quan. Tham gia có trách nhiệm và kinh nghiệm được Việt Nam chia sẻ trong những lĩnh vực này, đặc biệt là về bình đẳng giới đã được các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, trong đó có nhiều ý kiến đánh giá cho rằng Việt Nam là hình mẫu về vấn đề này
Một trọng tâm làm việc khác của khóa 26 là quan hệ của các vấn đề toàn cầu như đói nghèo, di cư, biến đổi khí hậu với quyền con người; cùng với những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, nhất là hoạt động của các tập đoàn xuyên quốc gia, với quyền con người. Các cuộc thảo luận về các vấn đề này đã diễn ra sôi nổi, đa chiều về cả những phương hướng hợp tác trong tương lai cũng như đánh giá các biện pháp đang được triển khai để ứng phó với các vấn đề này. Việt Nam đã đóng góp tiếng nói chung với các nước đang phát triển mong muốn các lợi ích chính đáng của mình phải được tính tới trong quá trình này.
Tình hình tại thực địa và nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật về quyền con người tại một số quốc gia, nhất là ở châu Phi và Đông Âu cũng là nét đáng chú ý trong hoạt động của Khóa 26 Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam đã tham gia có trách nhiệm tại các cuộc thảo luận liên quan, đề cao cách tiếp cận cân bằng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác và công lý trong quan hệ giữa các nước để tìm giải pháp phù hợp mang lại tiến triển thực chất trên thực địa.
- Khóa 26 Hội đồng Nhân quyền đã chính thức thông qua UPR chu kỳ 2 của Việt Nam với sự nhất trí cao và được đông đảo bạn bè quốc tế chúc mừng, Đại sứ có thể cho biết đánh giá chung của các nước tại phiên họp này?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Đánh giá của các nước tập trung vào ba nội dung sau: hoan nghênh những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người; ghi nhận và đánh giá cao việc Việt Nam đã chấp thuận hầu hết các khuyến nghị và có thái độ hợp tác, xây dựng trong tiến trình UPR; chúc mừng những tiến triển cụ thể tích cực mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua, trong đó nhấn mạnh việc thông qua Hiến pháp đề cao quyền con người; hoàn thành sớm nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MGD), coi đó là hình mẫu trong việc tạo điều kiện nền tảng để đảm bảo các quyền con người.
Đại đa số các đại biểu đều đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người, hoan nghênh Việt Nam đã chấp thuận hầu hết các khuyến nghị (gần 81%) và có thái độ hợp tác, xây dựng trong tiến trình UPR nói riêng và đảm bảo quyền con người ở Việt Nam nói chung; trong đó đặc biệt hoan nghênh Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp 2013 đề cao quyền con người.
Các phát biểu của các nước ASEAN, Maroc, Sri Lanka chúc mừng Việt Nam hoàn thành sớm nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MGD), coi đó là hình mẫu trong việc tạo điều kiện nền tảng để đảm bảo các quyền con người.
Phát biểu của Thái Lan, Pakistan, Uzbekistan… đánh giá cao sự tham gia rộng mở của nhiều bộ ngành Việt Nam trong quá trình UPR, cũng như việc Việt Nam xem xét nghiêm túc, có quan điểm giải thích rõ ràng về các khuyến nghị chưa được chấp nhận.
Phát biểu của UNICEF đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền trẻ em, trong đó có Quyết định 535 gần đây của TTg CP về việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban công ước Quyền trẻ em, vẫn cho rằng đang có sự phân biệt trên thực tế giữa trẻ em của các nhóm xã hội khác nhau, do việc triển khai bình đẳng các chính sách kinh tế-xã hội không được thành công.
Phát biểu của các Tổ chức phi chính phủ (NGO) nhìn chung là đa chiều và về tổng thể là cân bằng. Các NGO của Việt Nam hoặc quốc tế có quan hệ và điều kiện tiếp cận thông tin từ trong nước (Liên đoàn Luật sư Dân chủ, Hội đồng Hòa bình thế giới…) có phát biểu nhấn mạnh các thành tựu của Việt Nam; nêu ra một số khó khăn khách quan của Việt Nam, nhất là các vấn đề hậu quả chiến tranh, đề nghị Việt Nam quan tâm nỗ lực khắc phục và đề nghị cộng đồng quốc tế giúp đỡ.
Hội người đồng tính nam và đồng tính nữ quốc tế có phát biểu ghi nhận Việt Nam không có chính sách phân biệt đối xử; đồng thời nêu một số khó khăn của những người đồng tính chuyển giới và đề nghị Nhà nước quan tâm, trong đó có việc hướng tới công nhận hôn nhân đồng giới.
Nhiều đoàn đại biểu đã chúc mừng thành công của đoàn Việt Nam và đánh giá cao ứng xử của Việt Nam, cũng như quy trình chuẩn bị và bảo vệ báo cáo nghiêm túc với sự tham gia rộng rãi và có trách nhiệm của nhiều bộ ngành.
Bên cạnh các đánh giá tích cực, vẫn còn một số ít phát biểu đưa ra nhận xét chưa khách quan về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam. Do đây là những đánh giá mang tính định kiến và dựa trên các thông tin không chính xác, tôi đã một lần nữa khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người, đồng thời tăng cường đối thoại xây dựng và hợp tác tích cực với các nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc, qua đó bác bỏ những quan điểm sai lệch đó.
- Là cơ quan hàng đầu trong việc thực hiện triển khai vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 của Việt Nam, Phái đoàn tại Geneva đã có những định hướng gì trong công tác để có thể tham gia ngày một tốt hơn vào Hội đồng Nhân quyền trong bối cảnh nhân quyền đang ngày càng trở thành một trong những trụ cột quan trọng của đời sống chính trị quốc tế?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Như chúng ta đã thấy Nhân quyền đang ngày càng khẳng định là một trong 3 trụ cột chính của Liên hợp quốc, bên cạnh hai trụ cột khác là An ninh hòa bình và Hợp tác Phát triển. Vì vậy, Việt Nam đã quyết định tham gia Hội đồng Nhân quyền với mục tiêu triển khai chính sách đối ngoại hội nhập toàn diện, phục vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời đáp ứng mong đợi của bạn bè quốc tế về đóng góp xây dựng, hoàn thiện Hội đồng Nhân quyền và các văn kiện nhân quyền nhằm đảm bảo tốt hơn việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền nói chung, thúc đẩy việc hưởng thụ quyền của người dân trong nước nói riêng.
Việt Nam, tại Geneva là Phái đoàn, sẽ tham gia Hội đồng Nhân quyền một cách tích cực, chủ động, có trách nhiệm, linh hoạt; đảm bảo hài hòa lợi ích trong nước, khu vực và quốc tế. Trên cơ sở đó, một số định hướng chính về hoạt động của Phái đoàn trong thời gian tới gồm: phối hợp với các thành viên Hội đồng Nhân quyền và bạn bè quốc tế (các nước láng giềng, ASEAN, KLK, các đối tác chiến lược..) xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy cơ cơ đối thoại và hợp tác chân thành, hỗ trợ nhau cùng phát triển tại Hội đồng Nhân quyền;
Đồng thời, Phái đoàn cũng tham gia thương lượng các văn kiện, công ước về nhân quyền, đặc biệt việc chia sẻ các kinh nghiệm quý của Việt Nam trên các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như giảm đói nghèo, quyền lương thực, an ninh nguồn nước, biến đối khí hậu, nước biển dâng. Thông tin về chính sách đối ngoại của Việt Nam, thực tiễn và các thành tự về thúc đẩy và bảo vệ việc hưởng thụ quyền của người dân trong nước, nhằm bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam; đồng thời tránh ý đồ của các thế lực xấu lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam;
Phối hợp thực hiện: các khuyến nghị của các nước đã được ủng hộ sau phiên UPR hồi tháng Hai vừa qua của Việt Nam; thực hiện các cam kết khi tham gia Hội đồng Nhân quyền. Một phần, đây là trách nhiệm của nước thành viên và một phần đây cũng là cách thiết thực để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao việc hưởng thụ quyền của người dân trong nước.
Xin cám ơn Đại sứ!