Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc

Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá Việt Nam, cân bằng cán cân thương mại. Trong tương lai, hai bên đang tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới như phát triển Xanh, năng lượng mới.
Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động tại cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt xấp xỉ 172 tỷ USD năm 2023. Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực ASEAN đồng thời lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Bắc Kinh và Thượng Hải, Trung Quốc (từ ngày 29-30/3), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng có cuộc trao đổi, làm việc với ông Vương Văn Đào, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, trong đó các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ cao chiếm ưu thế. Tính đến tháng Ba, các nhà đầu tư Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD, đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Riêng năm 2023, Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ 4 đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 4,5 tỷ USD (tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2022).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi và làm việc tại Bộ Thương mại Trung Quốc. (Ảnh: Vietnam+)

Về thương mại, Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới: Lào Cai-Hà Nội-Hải phòng; Đồng Đăng-Hà Nội; Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng. Đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại hai quốc gia.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phía Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình kinh tế mới (Khu thương mại tự do, Khu kinh tế mở, Khu phi thuế quan) và tham khảo những chính sách đã ban hành...

Về đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh (như đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, điện tử, công nghệ, công nghiệp phụ trợ…). Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc để triển khai đầu tư, hoạt động các dự án thành công, hiệu quả, đôi bên cùng có lợi tại Việt Nam.

Tại đây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bày tỏ mong muốn các hợp tác chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, cả trong các lĩnh vực mới và truyền thống. Cụ thể, phạm vi hợp tác bao gồm đầu tư và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân viên, khai thác thị trường khác.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ông Vương Văn Đào, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc. (Ảnh: Vietnam+)

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết hiện nay, một số ngành sản xuất, thậm chí chuỗi sản xuất của Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam như dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ... Trong đó, đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam tăng nhanh chóng, nhất là điện tử. Hiện, nhiều doanh nghiệp phụ trợ của Trung Quốc đã cung cấp sản phẩm cho các hãng điện tử lớn (như Samsung, Apple). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới ở Việt Nam như năng lượng mặt trời.

“Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá Việt Nam, cân bằng cán cân thương mại. Trong tương lai, hai bên đang tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới như phát triển xanh, năng lượng mới. Theo đó, hai quốc gia cũng có thể tăng cường đầu tư và kết nối phát triển Xanh, kinh tế số. Điều này có thể làm hai bên hợp tác tốt hơn trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng,” Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc chia sẻ.

Ngoài ra, hai bộ trưởng cũng trao đổi nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là kinh nghiệm hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng./.

Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Bắc Kinh và Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Vietnam+)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là Phó trưởng ban chỉ đạo. Trong khi đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với thành phố Đà Nẵng. Trong đó, Đà Nẵng đề xuất điều chỉnh bổ sung nội dung chính sách “Thí điểm thành lập Khu thương mại Tự do thành phố Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng”.

(Vietnam+)
Link bài gốc Copy link
null

Tin cùng chuyên mục