Việt Nam là điểm sáng cho hoạt động đầu tư kinh doanh của Italy

Quan hệ kinh tế song phương Việt Nam-Italy năm 2024 đã có những dấu ấn sâu sắc, giúp Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Phó Thị trưởng thành phố Turin, bà Michela Favaro phát biểu tại Diễn đàn kết nối công nghiệp càphê Việt Nam-Italy. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Quan hệ kinh tế song phương Việt Nam-Italy năm 2024 đã có những dấu ấn sâu sắc, giúp Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Italy là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Đây là chia sẻ của bà Dương Phương Thảo, Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Rome.

Bà Dương Phương Thảo cho biết, trong năm 2024, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã triển khai các hoạt động thực chất, trên nhiều lĩnh vực, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động thương mại đầu tư giữa hai nước với các mục tiêu sau:

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh hợp tác với các địa phương phía Nam Italy, thông qua chuỗi sự kiện “Cầu nối Việt Nam với các địa phương phía Nam Italy” tại thành phố Naples - thủ phủ vùng Campania và các vùng Basilica, Calabria, Sicilia và Sardegna. Nhiều lãnh đạo Vùng của Italy đã bày tỏ sự quan tâm và sẵn lòng dẫn đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam trong thời gian tới để tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Nhiều công ty tham gia các sự kiện này đã lên kế hoạch vào Việt Nam.

Thứ hai, hoạt động xúc tiến du lịch chuẩn bị cho sự kiện đường bay trực tiếp giữa hai nước. Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, được tổ chức vào tháng 6/2024, tại thành phố Milan, mang đến những thông tin hữu ích, hỗ trợ các công ty lữ hành Italy cách thức tiếp cận thị trường và xây dựng chiến lược quảng bá cũng như thiết kế các gói sản phẩm lữ hành của mình trong thời gian tới, nhất là khi đường bay thẳng giữa hai nước dự kiến được khai trương vào tháng 7/2025.

Thứ ba, Việt Nam tham gia Hội nghị Bộ trưởng thương mại của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Việc lần đầu tiên, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên được mời tham dự phiên mở rộng về chuỗi cung ứng thể hiện sự đánh giá cao của Italy và các nước G7 về vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại buổi làm việc song phương bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng Italy tuyên bố sẽ cử đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Thứ tư, ngày càphê Việt Nam tại Italy là sự kiện kinh tế quy mô, quan trọng và nhiều ý nghĩa, nhằm kết nối hợp tác và thiết lập quan hệ đối tác giữa hai "cường quốc" càphê Việt Nam và Italy.

Ngay sau sự kiện, các doanh nghiệp càphê Việt Nam liên tục nhận được yêu cầu chào hàng trực tiếp từ các công ty nhập khẩu càphê của Italy. Một số Hiệp hội càphê Italy cho biết sẽ tổ chức đoàn sang Việt Nam trong năm 2025 để khảo sát, tiến hành các hoạt động thúc đẩy hoạt động thương mại càphê trực tiếp từ Việt Nam vào Italy.

Thứ năm, hội nghị liên địa phương tại Bologna đánh dấu bước phát triển quan trọng, mở ra không gian hợp tác mới, đáp ứng nhu cầu kết nối hợp tác đang tăng lên nhanh chóng giữa các địa phương Việt Nam và Italy.

Thứ sáu, lần đầu tiên Việt Nam có gian hàng nội thất tại Tuần lễ thiết kế Milan, song song với Hội chợ thiết kế Salone, trưng bày các sản phẩm nội thất và đồ mỹ nghệ tinh xảo, thể hiện sự năng động, sáng tạo, mang đầy màu sắc và đa dạng văn hóa, thu hút sự quan tâm của công chúng và các nhà thiết kế thế giới.

Thứ bảy, việc ký kết Bản ghi nhớ trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Italy xác định những định hướng cụ thể nhằm phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới, trong đó có việc tăng cường tiếp xúc, trao đổi và hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.

Thứ tám, Tập đoàn bảo lãnh tính dụng SACE của Italy và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã ký Bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa các công ty hàng đầu của Italy với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Nhận định về xu hướng hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước trong năm 2025, cũng như những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển hoặc mở rộng thị trường trong năm tới, Tham tán Dương Phương Thảo cho rằng hợp tác thương mại Việt Nam-Italy trong 2025 có nhiều điểm sáng và có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Thứ nhất, với sự hỗ trợ của các tập đoàn bảo hiểm, bảo lãnh tín dụng và tín dụng của Italy, cũng như trong bối cảnh các thị trường truyền thống của Italy chưa có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp Italy đang tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa nguồn cung sẽ mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam.

Thứ hai, hiện nhiều công ty của Italy đang tìm đối tác hợp tác, liên doanh hoặc mua lại, trong khi nhiều tập đoàn của Việt Nam cũng đang quan tâm đến việc hợp tác, mua lại các doanh nghiệp của Italy trong các lĩnh vực nước này có thế mạnh và Việt Nam đang cần như công nghiệp phụ trợ, cơ khí chính xác, ôtô...

Nhiều lĩnh vực Italy có lợi thế và Việt Nam quan tâm có thể học hỏi như kinh tế tuần hoàn, thành phố thông minh, kinh tế xanh, kinh tế biển, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao, công nghệ bán dẫn.

Thứ ba, việc đường bay trực tiếp Hà Nội-Milan chính thức mở cửa vào tháng 7/2025 góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thương kinh tế, văn hóa giữa hai nước, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh và du lịch.

Bà Dương Phương Thảo kết luận rằng Việt Nam hiện được chính phủ, chính quyền các cấp, các tổ chức, tập đoàn, công ty Italy đánh giá là một trong những điểm sáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Năm 2025, các hoạt động tìm kiếm cơ hội sẽ diễn ra với cường độ, tần suất cao hơn, nhiều tiềm năng được hiện thực hóa hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục