Để đạt được những mục tiêu, định hướng phát triển ngành dược trong thời gian tới, Bộ Y tế luôn coi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dược phẩm, trong đó có chia sẻ về bản quyền và công nghệ là giải pháp mũi nhọn nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp dược trong nước phát triển và tham gia các chuỗi giá trị dược phẩm toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2 với chủ đề “Đổi mới tiếp cận nâng tầm y tế Việt Nam” tổ chức ngày 18/10, tại Hà Nội.
Tiềm năng trong lĩnh vực dược còn rất nhiều
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay hiện nay Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, trong đó bao gồm cả việc thành lập các cơ sở sản xuất thuốc để từ đó xuất khẩu sang các quốc gia khác.
[Chiến lược Quốc gia Phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2030]
“Bộ Y tế cho rằng dư địa để khai thác các tiềm năng thương mại trong lĩnh vực dược còn rất nhiều, cơ hội cho hợp tác và phát triển của các doanh nghiệp dược vẫn đang ở phía trước,” bà Liên Hương phân tích.
Mục đích của sự hợp tác nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và đạt được mục tiêu cuối cùng đó là đảm bảo người dân được tiếp cận với những sản phẩm dược phẩm chất lượng, an toàn và hiệu quả với giá cả hợp lý được sản xuất bởi các doanh nghiệp dược có uy tín hoặc là sự liên doanh hợp tác của các doanh nghiệp với nhau.
Tại diễn đàn, Bác sỹ Emin Turan - Chủ tịch Pharma Group, chia sẻ Việt Nam có đầy đủ tiềm năng trong việc tạo ra một môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo với lực lượng lao động chất lượng cao. Dựa trên những tiềm lực sẵn có cùng việc gạn lọc những bài học kinh nghiệm từ quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu nâng tầm y tế và trở thành trung tâm khoa học, đổi mới trong khu vực.
“Chúng tôi đề xuất Việt Nam có thể bắt đầu từ việc nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, triển khai chuyển đổi số trong y tế cũng như xây dựng môi trường chính sách thuận lợi cho thúc đẩy đổi mới, sáng tạo,” Chủ tịch Pharma Group nói.
Hiện thực hóa mục tiêu
Để tạo động lực cho ngành dược Việt Nam phát triển trong thời gian tới, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt Chương trình Phát triển Công nghiệp Dược, Dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt ra mục tiêu cho Việt Nam là “Đến năm 2030: Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 01 tỷ USD.”
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược thể hiện định hướng, mục tiêu và các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, bao gồm tất các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn… trong đó trọng tâm tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành dược trong giai đoạn tới.
Theo Chiến lược, Việt Nam phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của WHO. Đặc biệt là nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần đảm bảo cung cấp sản phẩm dược mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cả cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế, thông qua đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Tại diễn đàn, các chuyên gia y tế đã thảo luận về vai trò của các giải pháp tăng cường đổi mới, sáng tạo, trong lĩnh vực y tế cùng với kinh nghiệm chuyển đổi số, quản trị dữ liệu y tế từ quốc tế. Bên cạnh đó, các phiên thảo luận về bối cảnh đổi mới, sáng tạo cùng với lợi ích và thách thức của chuyển đổi số trong y tế tại Việt Nam cũng được quan tâm.
Diễn đàn còn mở ra đối thoại về đề xuất lộ trình và chính sách để hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đối với ngành dược phẩm bao gồm định hướng Chiến lược quốc gia mới về phát triển ngành dược phẩm Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Những chia sẻ phát triển ngành Dược tại Ireland - một trong những quốc gia xuất khẩu dược phẩm hàng đầu thế giới; Vai trò của việc chuyển đổi số trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành và vận dụng những bài học kinh nghiệm từ các nền kinh tế khác để toàn cầu hóa ngành dược phẩm sinh học Việt Nam.
Diễn đàn quy tụ hơn 20 diễn giả hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận giải pháp phù hợp nhằm hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia phát triển ngành y tế./.