Chiều 11/1, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2, Thủ tướng cho rằng, thách thức quan trọng với nền kinh tế Việt Nam là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, qua đó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Sau bài phát biểu, Thủ tướng đã trực tiếp đối thoại với các chuyên gia tham dự Diễn đàn kinh tế quy mô lớn này.
Với chủ đề "Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững: Những thách thức và động lực mới," Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của khoảng gần 1.500 đại biểu là các chuyên gia, học giả kinh tế hàng đầu quốc tế và Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với mức tăng trưởng 6,81%, Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất châu Á và toàn cầu. Việt Nam cũng đẩy mạnh cải cách kinh tế, tăng cường công khai minh bạch và phòng chống tham nhũng. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng, qua đó, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra một sinh khí mới cho nền kinh tế.
Thủ tướng cũng cho biết đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong năm nay phải nỗ lực đạt tăng trưởng 6,7%, nâng cao chất lượng tăng trưởng; tạo chuyển biến mạnh mẽ về sức sống, về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng ngành, từng địa phương và từng doanh nghiệp; Nền kinh tế phải có khả năng chống chịu cao hơn với những biến động lớn…
Do đó, Thủ tướng cho rằng, đây là diễn đàn quan trọng để các đại biểu thảo luận, chia sẻ quan điểm về diễn biến kinh tế vĩ mô và thực trạng kinh tế Việt Nam; đề xuất các giải pháp giúp Chính phủ tháo gỡ những nút thắt và thúc đẩy các động lực tăng trưởng để đạt mục tiêu đề ra.
Dù đánh giá Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kinh tế xã hội tích cực sau hơn 30 năm đổi mới, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh đến việc không được chủ quan và thỏa mãn với kết quả đạt được; không được phép để quán tính cỗ máy phát triển dừng lại. Thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, Thủ tướng cho rằng cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng chỉ kéo dài thêm khoảng 2 thập kỷ nữa và áp lực quốc tế ngày một gay gắt hơn.
Đánh giá cao vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn là làm thế nào để Việt Nam vừa tăng trưởng kinh tế nhanh, vừa bền vững, đây là hai mục tiêu có thể mâu thuẫn với nhau, Thủ tướng tán thành quan điểm của các diễn giả chỉ ra cụ thể 3 “đòn bẩy” để Việt Nam đạt được hai mục tiêu quan trọng này. Đó là năng lượng xanh và phát triển bền vững; Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro, đặc biệt trong tín dụng, thương mại và đầu tư.
Nhấn mạnh tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua maraton đường trường chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút, Thủ tướng cho rằng, cần coi những thành tựu đạt được là cơ sở để tự tin hơn trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mạnh mẽ, từ đó tạo ra nền móng vững chãi hơn để nền kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn trong dài hạn. Qua đó, nỗ lực biến khát vọng thành thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể, tận dụng triệt để cơ hội, vững vàng vượt qua thách thức, phát huy tối đa những tiềm lực của nền kinh tế, để phấn đấu trở thành một “con hổ kinh tế” mới của Châu Á.
Sau phần phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các chuyên gia kinh tế đã đối thoại với các đại biểu. Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam đặt câu hỏi điều gì làm Thủ tướng tâm đắc nhất trong chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng cho rằng, cùng với tăng trưởng kinh tế, nhiều vấn đề xã hội được quan tâm. Nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, trong đó có những huyện thuộc diện nghèo. Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, tăng trưởng bao trùm đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua.
“Điều tâm đắc nhất với tư cách là người điều hành Chính phủ Việt Nam, thứ nhất là năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 5 bậc. Hai là môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc và chỉ số tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á. Chỉ số phát triển bền vững ở Việt Nam tăng 20 bậc. Tôi nói điều này để thấy rằng vấn đề phát triển toàn diện của một đất nước gần 100 triệu dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu sâu sắc được chỉ đạo toàn diện”, Thủ tướng nói.
Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh người dẫn chương trình đối thoại, đặt vấn đề: “Vừa rồi chúng ta nghe ý kiến của đại diện IMF có trình bày kinh nghiệm của quốc tế, vậy là người đứng đầu Chính phủ, tôi tin chắc Thủ tướng cũng đã có giải pháp và quyết sách để tăng cường khả năng chống chịu, tăng cường sức bền bỉ của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài, để từ đó vượt qua những thách thức chúng ta nhìn thấy trong tương lai ở nền kinh tế toàn cầu. Xin Thủ tướng chia sẻ quan điểm của mình?”
Thủ tướng trả lời: “Thứ nhất chúng ta phải nâng cao năng suất lao động, nhất là năng suất lao động tổng hợp TFP, bởi năng suất lao động Việt Nam còn thấp và cần có sự quan tâm đặc biệt. Đi liền với đó là áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ, nhất là một số giải pháp mà nền công nghiệp 4.0 đang đặt ra trước mắt. Nền kinh tế số đang đặt ra ở Việt Nam mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Và thứ ba một chủ trương rất quan trọng mà Chính phủ trình Quốc hội để có Nghị quyết là tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong từng cấp, ngành, từng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, địa phương, sản phẩm. Đi liền với đó là tiếp tục giảm chi phí tốt hơn nữa trong các lĩnh vực, từ chi phí đầu tư công, các chi phí cho doanh nghiệp, giúp sản phẩm cạnh tranh tốt hơn. Đi liền với đó là công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm để có sự minh bạch tốt hơn, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực tập trung cho nền kinh tế quốc gia”./.